VDSC gợi ý 3 chủ đề đầu tư và danh mục cổ phiếu cho các tháng cuối năm
Dựa vào phân tích các yếu tố về kỳ vọng tăng trưởng, biến động lãi suất – chính sách tiền tệ và các rủi ro có liên quan, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng VN-Index có thể biến động ở mức 1.225 – 1.398 cho các tháng còn lại năm 2022.
Theo đó, VDSC đã đưa ra 3 chủ đề đầu tư tích cực cho các nhà đầu tư, bao gồm: lạm phát tạo đỉnh trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao và vị thế phòng thủ với các cổ phiếu có tỷ suất cao.
Với chủ đề lạm phát tạo đỉnh trong nửa cuối năm, các nhà phân tích của Rồng Việt nhận định các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng lãi suất tương đối nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát.
"Chúng tôi kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh trong tháng Sáu, mặc dù tốc độ bình thường hóa là khá khó lường, phần lớn là do giá năng lượng được kỳ vọng duy trì ở mức cao, rủi ro từ việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng bị kéo dài và rủi ro bất ổn địa chính trị.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi kỳ vọng giá hàng hóa, cũng là chi phí đầu vào của các nhà sản xuất, sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới và hỗ trợ cho tỷ suất lợi nhuận của các công ty này. Những công ty có khả năng chuyển giá từ trung bình đến cao thậm chí có thể mở rộng tỷ suất lợi nhuận bằng cách trì làm chậm mức độ giảm của giá bán so với mức điều chỉnh của giá nguyên vật liệu đầu vào."
Theo đó, các cổ phiếu được lựa chọn bao gồm VNM, DRC, BMP.
Cũng theo các nhà phân tích của Rồng Việt, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Với chủ đề này, nhóm phân tích nhìn nhận những chính sách và quy định thắt chặt trong ngành ngân hàng liên quan đến việc hạn chế cấp tăng trưởng tín dụng chỉ là tạm thời.
"Chúng tôi tin rằng khi những hạn chế về room tăng trưởng tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng tư nhân như TCB, MBB sẽ có nhiều dư địa để điều động và mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ hơn nhờ chi phí trích lập dự phòng thấp hơn thông qua khả năng quản lý chi phí rủi ro tốt hơn", báo cáo của VDSC cho hay.
Bên cạnh đó, thu nhập của một số công ty có thể tăng trưởng cao đột biến so với kỳ vọng của thị trường.
Cụ thể, việc giãn cách xã hội trên toàn quốc trong quý III năm ngoái đã tạo ra mức thấp rất thấp của lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết. Mặc dù yếu tố này đã được thị trường biết đến nhiều nhưng VDSC kỳ vọng sẽ có những bất ngờ về mức độ tăng trưởng của một số công ty như KBC, LHG, PHR, PNJ và ACV.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể ghi nhận thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản, như trường hợp của PVT có khả năng tăng đột biến trong nửa cuối năm 2022 nhờ lợi nhuận bất thường từ việc thanh lý tàu PVT Athena.
Chủ đề đầu tư cuối cùng liên quan đến việc nhà đầu tư có thể lựa chọn vị thế phòng thủ với các cổ phiếu có tỷ suất cao.
Nhóm phân tích kỳ vọng HND và NT2, hai công ty nhiệt điện đã và sắp hoàn thành các nghĩa vụ nợ, sẽ tận dụng dòng tiền tự do dồi dào để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tỷ suất cổ tức dự phóng cho HND ở mức 6% -10% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025, trong khi VDSC dự báo FCFE cao của NT2 (khoảng 3.000 đồng) sẽ khiến tỷ suất cổ tức tiềm năng của công ty này trở nên rất hấp dẫn ở mức 11%.