VDSC: Giá dầu tăng mạnh khiến rủi ro lạm phát trong ngắn hạn tăng cao
Theo báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tiếp tục duy trì dự báo lạm phát cả năm nay ở mức 3,8%, dưới mục tiêu của Chính phủ là 4%. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đang tăng cao, xuất phát từ việc giá dầu tăng mạnh thời gian qua.
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay, VDSC cho rằng lần điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới có thể sẽ khá mạnh. Điều này sẽ là yếu tố cản trở đà phục hồi của nhu cầu nội địa và hoạt động sản xuất trong các tháng đầu năm 2022.
Báo cáo của VDSC thông tin giá dầu đang tiến gần đến ngưỡng 100 USD/thùng do những quan ngại liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, với giá dầu WTI chạm ngưỡng 91 USD/thùng và giá dầu Brent tăng vượt mức 92 USD/thùng vào thứ 6 tuần trước.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới với sản lượng trung bình một ngày khoảng 10,52 triệu thùng trong năm 2021.
Nhiều nhà phân tích tin rằng nếu có hành động nào được thực hiện (chẳng hạn như việc cấm vận) thì sẽ tạo ra đà tăng rất mạnh cho thị trường dầu thô, "không chỉ diễn ra một vài tuần, mà có thể là cả thập kỷ".
Theo phân tích của Aljazeera, những mâu thuẫn địa chính trị trong quá khứ cũng cho thấy mối tương quan mạnh giữa giá dầu cao và khả năng Nga xâm phạm lãnh thổ các quốc gia láng giềng.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất vào tháng 1/2022 của IMF cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu về mức 4,4% trong năm 2022, thấp hơn 0,5 điểm % so với dự báo trước đó vào tháng 10/2021.
IMF cũng cảnh báo rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn có thể hình dung trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp diễn và giá năng lượng tăng cao.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, VDSC cho rằng giá dầu trên ngưỡng 100 USD/thùng sẽ tác động tiêu cực lên sự phục hồi của nền kinh tế vì xăng dầu chiếm tỷ trọng chính cấu phần chi phí của hoạt động sản xuất công nghiệp và vận tải.
Thêm vào đó, nếu giá dầu chỉ cần duy trì ở mức trên 90 USD/thùng trong một thời gian đủ lâu cũng sẽ gây tổn hại hơn giai đoạn bình thường trước đây vì giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn đang duy trì ở mức cao kỷ lục trong khi nhu cầu nội địa chỉ mới chớm phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, VDSC cho biết trong tháng đầu năm 2022, lạm phát của Việt Nam tiếp tục tăng lên mức 1,9% so với cùng kỳ, so với mức tăng 1,8% trong năm 2021. Lạm phát lõi cũng ghi nhận mức tăng 0,3% so với tháng trước và 0,7% so với cùng kỳ. Theo mức tăng của tháng thì lạm phát chung cũng tăng khoảng 0,2%, so với mức giảm 0,2% trong tháng 12/2021.
Trong rổ 11 hàng hóa dùng tính chỉ số giá tiêu dùng thì lạm phát của tháng vừa qua chủ yếu do mức tăng mạnh hơn của mặt hàng đồ uống và thuốc lá, may mặc & quần áo, hàng gia dụng và giao thông.
Trong đó, mức tăng cao nhất đến từ nhóm giao thông với mức tăng 14,5% so với cùng kỳ và 1,2% so với tháng trước do giá xăng dầu tiếp tục tăng trong tháng qua.