VcCorp phát triển mạng xã hội VivaVietnam dùng công nghệ AI
CTCP Mạng xã hội Viva được thành lập từ cuối tháng 1/2019 có trụ sở tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng (tòa nhà Hapulico), phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc CTCP VcCorp.
Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty Mạng xã hội Viva là 69 tỉ đồng, trong đó CTCP VcCorp góp gần như toàn bộ 99,986%; CTCP Vccers Foundation và cá nhân ông Nguyễn Thế Tân mỗi bên góp 0,007%. Cuối tháng 4, CTCP Mạng xã hội Viva tiến hành tăng vốn lên 161 tỉ đồng.
Thông tin trên báo cáo tài chính quí II của một Tập đoàn lớn cho biết đã đầu tư 230 tỉ đồng vào CTCP Mạng xã hội Viva.
Mạng xã hội VivaVietnam chú trọng phát triển nội dung
Theo thông tin giới thiệu, mạng xã hội VivaVietnam là mạng xã hội của người Việt, do người Việt sáng lập và làm chủ.
ViVaVietnam được xây dựng trên nền tảng đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm. Công ty cho rằng, công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning là yếu tố quyết định để VivaVietnam phục vụ hơn 50 triệu khách hàng internet và mobile và cạnh tranh trong lĩnh vực của mình.
Trên CH Play, ứng dụng VivaVietnam được phát hành vào đầu tháng 7/2019, khi đăng ký sử dụng mạng xã hội này, người dùng sẽ phải đợi 24h để xác nhận thông qua tài khoản Facebook.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Thế Tân từng đưa ra nhận định, các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường, giành lại chủ quyền thông tin từ nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì, các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng vì đặc trưng của họ chỉ là phân phối mà không có sản xuất nội dung, nên các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin. Nếu các bên có nội dung mạnh thì có thể đàm phán và chiếm lợi thế.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, định hướng phát triển các mạng xã hội Việt Nam là phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra của người dùng phải được chia sẻ, luật chơi phải có sự tham gia của khách hàng.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng để mạng xã hội Việt không "đầu voi đuôi chuột" chết yểu được nhiều doanh nghiệp Việt đề xuất là cơ chế chính sách. Họ mong muốn chính sách dành cho doanh nghiệp nội dung số không bị trói chân tay, bị nhiều rào cản khi cạnh tranh với mạng xã hội xuyên biên giới.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho viết, đến thời điểm hiện tại đã có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép.
Tính đến hết tháng 6/2019, Facebook công bố số lượng người dùng mạng xã hội này hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người. Trong khi đó, số lượng người dùng của các mạng xã hội Việt Nam kém hơn rất nhiều. Zalo, một ứng dụng OTT hoạt động tương tự mạng xã hội, có số lượng người dùng hàng tháng vào khoảng 46,7 triệu. Còn Mocha, có số lượng người dùng hàng tháng vào khoảng 4,8 triệu.
Số mạng xã hội có tên tuổi, có lượng người dùng vượt trên 1 triệu, hiện chỉ mới có Zalo, Mocha, còn lại các mạng xã hội nhỏ "vô danh" thì nhiều không đếm xuể.