|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCCI: thông tư 20 \"mở rộng\" vẫn gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô

15:00 | 06/09/2016
Chia sẻ
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ tiếp tục gặp vướng mắc hành chính với đòi hỏi phải có bản chính chứng nhận chất lượng từ nhà sản xuất bởi dự thảo để thay thế Thông tư 20 do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo. VCCI cho rằng qui định trong này gây khó khăn thậm chí không tưởng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối.
vcci thong tu 20 mo rong van gay kho cho doanh nghiep nhap khau o to
 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý các qui định tại dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng xe cơ giới nhập khẩu mà Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo nhằm thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Văn bản của VCCI góp ý 4 điểm trong dự thảo. Trong đó, điểm nhận được chú ý nhất là qui định mỗi chiếc xe ô tô lưu hành phải có "Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng". Yêu cầu này đối với mọi hình thức kiểm tra gây khó khăn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho biết, "Theo phản ánh của các doanh nghiệp, chỉ xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của giấy tờ trên nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. Do đó, qui định tại Điều 5.1.f của Dự thảo sẽ chỉ cho các xe nhập từ các nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập xe qua nhà phân phối”.

VCCI đánh giá qui định này sẽ có tác động không khác gì yêu cầu có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Phó chủ tịch VCCI lo ngại: "Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ”.

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng việc yêu cầu Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng là không cần thiết. “Nếu một phương tiện không có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam, tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp phương tiện không có bản chính các giấy tờ trên đi kèm xe thì Cơ quan đăng kiểm của Việt Nam vẫn có thể tra cứu các thông tin này thông qua số VIN của xe".

Góp ý của VCCI kết luận rằng qui định trên không cần thiết, vừa phức tạp về thủ tục hành chính vừa tốn kém chi phí xã hội. Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng.  ​

Ngoài ra, VCCI còn góp ý 3 điểm khác về xây dựng chính sách, qui định kiểm tra và công tác kiểm tra hậu kiểm.

Về chính sách, VCCI gợi ý nên xây dựng dựa trên tiêu chí mua xe của người tiêu dùng, ví dụ nên chia thành 2 nhóm là xe dưới 9 chỗ mua để tiêu dùng và xe mua để vận tải.

Còn về các qui định kiểm tra, quan điểm của VCCI cho rằng việc kiểm tra ngẫu nhiên một mẫu xe từng loại không đảm bảo an toàn bởi tiềm ẩn nguy cơ sai khác giữa các xe kiểm tra và xe khác.

Đối với qui định kiểm tra hậu kiểm, dự thảo đề nghị thu hồi giấy chứng nhận hoặc yêu cầu người nhập khẩu khắc phục hoặc triệu hồi khi xảy ra lỗi. VCCI cho rằng qui định này "trao quá nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra và không thực sự rõ ràng.

Minh Tâm