VCCI đề xuất bỏ kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn thương mại điện tử
Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã xác định, cần tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ dựa trên công nghệ tiên tiến.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về về thuế, hóa đơn và chứng từ mà Bộ Tài chính đang chủ trì, soạn thảo là lấy ý kiến góp ý cần cân nhắc thấu đáo để tránh tạo thêm gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian như đã đề cập.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục có văn bản góp ý hoàn thiện dự thảo nói trên. Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn.
Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự. Ngoài ra, VCCI cũng yêu cầu sửa đổi quy định về cung cấp thông tin theo hướng sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/lần.
VCCI cho rằng, các quy định thu thuế theo cách thức truyền thống và trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có thể đang đặt ra một bài toán cho các cơ quan thuế; chẳng hạn, khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về đối tượng đang thực hiện kinh doanh trực tuyến hay xác định doanh thu từ hoạt động này…
Vì lẽ đó, VCCI thống nhất quan điểm, việc đưa ra một số quy định pháp lý nhằm hỗ trợ cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ là hợp lý. Các quy định này có thể liên quan phần nào đến các chủ thể khác vận hành trong mô hình này, chẳng hạn các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn thương mại điện tử).
Tuy nhiên, căn cứ vào dự thảo, VCCI cho rằng, quy định các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay cho người bán trên sàn là cá nhân là chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý cụ thể; chưa thống nhất của các luật thuế khác về chủ thể có trách nhiệm nộp thuế như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng...; chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn thương mại điện tử và nguy cơ gia tăng tương đối đáng kể chi phí tuân thủ cho các sàn thương mại điện tử.
Điều này là vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh trên 80% các sàn thương mại điện tử đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới.
Thêm vào đó, nhiều sàn thương mại điện tử đều chia sẻ về những lo ngại nếu phải thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay người bán... có thể sẽ khiến thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp hay khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế hoặc dễ gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế....
VCCI còn chỉ ra, quy định nộp thuế thay là không rõ ràng và minh bạch vì nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.
Chẳng hạn, việc xác định mức doanh thu 100 triệu đồng là mức doanh thu trên một sàn hay tính trên tất cả các sàn; tiêu chí để nào để có thể xác định một người bán có doanh thu trên 100 triệu đồng khi bắt đầu năm kinh doanh…?
Hay như quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử, VCCI cho rằng, việc thu thuế thương mại điện tử hiệu quả cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Sự hỗ trợ này có thể đến từ việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cũng cần lưu ý không tạo ra gánh nặng chi phí bất hợp lý cho các sàn thương mại điện tử.
VCCI cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế khi tổng hợp chung rằng, theo quy định của các quốc gia, trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của người bán trong nước vẫn phải thuộc về người bán. Do đó, quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến theo nội dung dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý để ban hành; thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa rõ ràng, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.