VCCI: Cân nhắc việc ban hành Thông tư quy định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế
Đồng thời, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo được xây dựng xuất phát từ việc Bộ Công Thương cho rằng, có việc một số doanh nghiệp đang lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động.
Nguy cơ này xuất hiện trong tình hình dịch bệnh dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế tăng cao.
Tuy nhiên, VCCI lưu ý rằng, việc ban hành các quy định trong Thông tư về tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế, trang phục phòng chống dịch là biện pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, trước khi ban hành, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động một cách thận trọng dựa trên tình hình thực tế; trong đó có tính đến sự thay đổi của tình hình.
Buôn lậu, gian lận thương mại một mặt hàng nào đó xảy ra khi phụ thuộc vào lợi nhuận tiềm năng của mặt hàng đó tại một thời điểm nhất định.
Một trong các yếu tố quan trọng quyết định tình trạng này là nhu cầu thị trường; nhất là khi có tình trạng khan hiếm mặt hàng đó.
Xem xét tình trạng thị trường khẩu trang năm 2021 sẽ nhận thấy có những thay đổi lớn so với năm 2020, chẳng hạn: Hiện nay, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng diện rộng hoặc cục bộ trên thị trường do thiếu, khan hiếm hoặc ép hàng làm giá như năm 2020.
Mặc dù có xảy ra tình trạng các cơ quan phòng, chống dịch thiếu trang thiết bị; trong đó, có khẩu trang, găng tay, trang phục chống dịch, nhưng đó không phải là do việc thiếu hàng hóa trên thị trường.
Quan sát các thông tin phản ánh trên báo chí cũng không thấy hiện tượng khan hiểm khẩu trang, găng tay y tế xuất hiện như năm 2020; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra cực kỳ phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh thành phố.
Năng lực sản xuất khẩu trang, găng tay y tế hiện cũng đã được đảm bảo vì tính đến tháng 5/2020, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Việt Nam ít nhất đã đạt khoảng 200 triệu chiếc/tháng.
Tình hình dịch bệnh trong năm 2022, dù khó lường, nhưng cũng đã được đảm bảo một phần nhờ việc tiêm chủng vaccine diện rộng. Thực tế, những tuần đầu mở cửa sau giãn cách đã không ghi nhận sự đột biến nào về số lượng người nhiễm COVID-19 mới.
Như vậy, có cơ sở để nhận định rằng, thị trường các mặt hàng này trong năm 2022 sẽ diễn biến không phức tạp như năm 2020, dẫn đến lợi nhuận - vốn là yếu tố thu hút hoạt động buôn lậu, chuyển tải bất hợp pháp có thể biến mất.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc lại việc ban hành Thông tư này, ít nhất là trong tình trạng tình hình đã có thay đổi và chưa có đủ thông tin và số liệu thể hiện tính nghiêm trọng và nguy cơ của vấn đề này.