VCBS: Hết dư địa tăng trưởng, lợi nhuận mảng ure của Đạm Cà Mau sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá ure tương lai
Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) vừa có báo cáo cập nhật nhận định tình hình kinh doanh quý III cũng như cả năm của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM)
Theo phân tích, giá ure Trung Quốc đang tác động rất lớn đến giá ure Việt Nam và thế giới khi giá than nội địa của đất nước tỷ dân (nguyên liệu chính sản xuất ure) đã tăng hơn 70% so với đầu năm.
Các chuyên gia dự báo, giá ure tại Việt Nam sẽ khó có thể hạ nhiệt trong quý III này do mùa đông tại Trung Quốc sắp đến gần dẫn đến nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng cao, trong khi giá than vẫn tiếp tục lập đỉnh. Ngoài ra tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc cũng rất nghiêm trọng. Nhìn chung, giá phân bón được dự đoán tiếp tục tăng thêm 5% trong cuối quý III đầu quý IV.
Với nguồn đầu vào, giá khí của DCM được dự đoán vẫn tiếp tục ổn định 5,8 USD/MMBTU, tương đương quý II do giá dầu thế giới biến động trong biên độ hẹp ở mức 70 - 75 USD/thùng.
Về tổng thể, các nhà phân tích nhận định giá dầu trong 6 tháng cuối năm khó có triển vọng tăng giá do ảnh hưởng của virus, dù đã có sự hỗ trợ từ cuộc họp OPEC+ trong trong tháng 7.
Mặt khác, các chuyên gia nhận định: "Sản lượng ure sản xuất của DCM được xem như không còn khả năng tăng trưởng. Do dó, lợi nhuận từ mảng ure sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá ure trong tương lai".
Về sản lượng tiêu thụ của DCM, nhu cầu tiêu thụ phân ure trên thị trường trong giai đoạn hai quý cuối năm cũng như diễn biến giá phân ure được đánh giá sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ các yếu tố về nguồn cung phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, nhà máy phân bón ure Cà Mau có lịch bảo dưỡng trong quý IV khiến sản lượng giảm. Do đó, VCBS dự đoán sản lượng 6 tháng cuối năm của DCM sẽ đạt ở mức 98% công suất thiết kế so với hiệu suất vận hành 115% công suất trong nửa đầu năm.
Riêng về nhà máy NPK, VCBS kỳ vọng DCM có thể hoàn tất các quy trình để đưa nhà máy vào vận hành với hiệu suất cao trong năm 2022.
VCBS dự đoán sản lượng tiêu thụ trong nước có thể bị ảnh hưởng do tác động của dịch và các quy định về giãn cách tuy nhiên sản lượng xuất khẩu tăng thêm từ nhu cầu cao của các nước như Ấn độ, Pakistan (do Trung Quốc dừng xuất khẩu ure) sẽ bù đắp phần sụt giảm này.
Riêng trong quý III, dịch COVID-19 sẽ tác động rõ nét lên hoạt động kinh doanh của DCM thông qua chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo ước tính, tổng chi phí để vận hành nhà máy trong điều kiện “3 tại chỗ” như hiện tại trong quý sẽ tiêu tốn của DCM hơn 50 tỷ đồng chi phí tăng thêm.
Cả năm, VCBS dự phóng doanh thu của DCM sẽ đạt 9.107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 842,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 27,3% so với thực hiện năm ngoái. Dự phóng này cao hơn 17% về kế hoạch doanh thu và gấp 4,27 lần so với mục tiêu DCM đưa ra cho cả năm.