|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCBS: Giá cá tra sẽ hạ nhiệt dần, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành sẽ chỉ phục hồi từ quý III/2023

10:36 | 04/03/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, do ngành cá tra có tính chất chu kỳ, quý IV hàng năm là thời kỳ cao điểm của ngành do cận kề các dịp lễ Tết, giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp trong ngành sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và chỉ bắt đầu hồi phục từ khoảng quý III/2023.

Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa có báo cáo về triển vọng ngành cá tra năm 2023.

Nhu cầu cá tra bắt đầu giảm mạnh từ quý IV/2022 

Theo các chuyên gia, bắt đầu từ tháng 11/2022, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam bắt đầu giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ, do hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu đã đạt mức cao, cùng lạm phát kéo dài ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nhập khẩu cá tra.

Mặc dù, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại, nhưng cũng chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, nên nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn không thể bù đắp cho thiếu hụt nặng nề về cầu ở các nước phương Tây.

Sang tháng 1/2023, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh lần lượt là 51% và 60%, do vướng vào dịp Tết nguyên đán

Nhu cầu về cá tra được dự báo là sẽ tiếp tục giảm ở hầu hết các thị trường cho đến quý III/2023, tuy nhiên trong quý IV vẫn còn một số thị trường nhỏ duy trì mức tăng trưởng cao như Hà Lan (tăng 84%), Đức (tăng 171%), Bỉ (tăng 55%), Mexico, Australia và Singapore vẫn duy trì tăng trưởng 5 - 21%, cho thấy vẫn còn tiềm năng xuất khẩu tới những quốc gia này trong nửa đầu năm.

 

 

Giá thức ăn chưa hạ nhiệt

Thực tế, giá cá nguyên liệu đang có xu hướng giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các chuyên gia, hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ quay trở lại vào năm 2023, khiến cho thời tiết toàn cầu sẽ nóng và khô hạn hơn, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và thu hoạch. Trên cơ sở này, giá ngũ cốc trong năm 2023 sẽ vẫn duy trì ở mức cao.

Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, nên nếu tỷ giá tiếp tục tăng cao trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho việc nuôi cá.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cá tra cũng đang tích cực nâng cao tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, định hướng sản xuất kinh doanh theo một chu trình khép kín từ khâu tạo giống, chế biến thức ăn, đến thành phẩm về cá, nên việc giá thức ăn tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến người nông dân bỏ nuôi nhiều như năm 2022, nhờ đó các doanh nghiệp càng có cơ hội mở rộng thị phần của mình hơn.

Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu cũng biến động mạnh trong năm 2022. Cụ thể, giá cá nguyên liệu đạt đỉnh vào tháng 4/2022 ở mức 33.000 đồng/kg, sau đó duy trì ở mức giá này và hạ nhiệt dần vào tháng 7/2022 quanh mức 27.000 - 32.000 đồng/kg. Tời thời điểm tháng 1/2023, giá cá nguyên liệu đang ở mức 27.100 đồng/kg và thể hiện xu hướng giảm.

 

 

 

Giá cá fillet xuất khẩu đang có xu hướng đi xuống

 

Tháng đầu năm chứng kiến sự sụt giảm của giá cá tra fillet, Nguyên nhân là do hàng tồn kho ở các thị trường đã đạt đỉnh, đồng thời lạm phát tăng cao kìm hãm tiêu thụ của người dân. Theo chu kỳ, giá cá tra xuất khẩu sẽ có khả năng tăng trở lại từ quý III/2023, khi nhu cầu nhập khẩu cá tăng trở lại để phục vụ cho các dịp lễ cuối năm, đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đang dần mở cửa và hồi phục trở lại, nên tiêu thụ của người dân được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới. 

Tại Việt Nam, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chiếm phần lớn thị phần là CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) và CTCP Nam Việt (Mã: ANV).

Đối với Vĩnh Hoàn, VCBS cho biết ngày từ tháng 1/2023, VHC cũng đã ký thêm được nhiều đơn hàng cá tra mới để xuất khẩu cho đến giữa năm 2023.

Theo các chuyên gia, do ngành cá tra có tính chất chu kỳ, quý IV hàng năm là thời kỳ cao điểm của ngành do cận kề các dịp lễ Tết, giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và bắt đầu hồi phục từ khoảng quý III/2023.

Đối với mảng collagen và gelatin (C&G), công ty vẫn duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 30% trong năm 2022. Tuy nhiên, giá các mặt hàng C&G đã giảm từ quý IV/2022, mức giá chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp, nên ban lãnh đạo đang cân nhắc về việc mở thêm một line sản xuất mới cho mảng này, nâng tổng công suất từ 3.500 lên 5.200 tấn/năm. Việc tăng quy mô sản xuất được kỳ vọng sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp của VHC cho mảng C&G lên 40 - 60%.

VHC cho biết sẽ hoàn thiện nhà máy Thành Ngọc vào tháng 5/2023. Hiện tại, VHC vẫn đang thuê nhà máy ở bên ngoài để sản xuất những lô hàng đầu tiên cho mảng hoa quả sấy. Với công nghệ hiện đại sấy thăng hoa (giúp hoa quả giữ được nhiều khoáng chất, vitamin và vị ngọt tự nhiên), VHC đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe và xuất khẩu mặt hàng mới của mình vào các thị trường Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu. VHC sẽ tận dụng tối đa các đối tác bản lẻ mà mình đang có với mảng xuất khẩu cá tra để chào bán sản phẩm hoa quả sấy của mình.

  Dự báo kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn. (Nguồn: VCBS).

Đối với Công ty Nam Việt, công ty cũng đã ký kết thêm hợp đồng với các đối tác Mỹ để xuất 30 container hàng tới tháng 2/2023, nguyên nhân chính cho sự tăng mạnh đến từ việc một phần các đơn hàng dồn nén từ năm trước chưa kịp hoàn thành đã được chuyển sang năm nay .

Do nhu cầu về các mặt hàng thủy sản tại thời điểm này đang hạ nhiệt, giá bán của ANV sang Mỹ cũng chưa được như doanh nghiệp mong muốn (giảm khoảng 23% so với mức đỉnh từ hồi tháng 9/2023), nên tình hình ký kết các hợp đồng mới sẽ diễn ra chậm hơn cho đến hết quý II khi hàng tồn kho được tiêu thụ bớt và nhu cầu quay trở lại.

Hiện tại doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 1,4% tổng doanh thu của ANV, doanh nghiệp sẽ tích cực mở rộng khoảng 5 - 7% sản lượng xuất khẩu vào thị trường này trong 2-3 năm tới và đảm bảo thuế chống bán phá giá duy trì ở mức 0%.

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay ANV đang chiếm 15% giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này. Ngoài ra giá bán ở thị trường Trung Quốc vẫn đang tương đối ổn định, nhu cầu của thị trường này vẫn còn cao do Trung Quốc mới mở cửa sau đợt giãn cách COVID kéo dài, ANV dự định sẽ mở rộng tập khách hàng để đẩy mạnh các đơn hàng ở thị trường Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 45% trong năm 2023 và là động lực tăng trưởng chính cho ANV.

Nhà máy collagen và gelatin của ANV đã đi vào hoạt động và có những đơn hàng đầu tiên. Các sản phẩm gelatin sẽ được Amicogen mua lại, còn sản phẩm collagen sẽ được bán ra bên ngoài cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Công suất thiết kế cho gelatin là 800 tấn/năm và collagen là 200 tấn/năm, như vậy đã vượt dự kiến ban đầu là tổng công suất chỉ đạt 800 tấn/năm cho cả 2 loại thành phẩm.

 Dự báo kết quả kinh doanh Nam Việt. (Nguồn: VCBS).

Minh Hằng