|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vay qua kênh trái phiếu Chính phủ kì hạn 12 năm, lãi suất 4,59% mỗi năm

15:47 | 17/12/2018
Chia sẻ
Trong năm 2018, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ với kì hạn bình quân 12,04 năm, lãi suất huy động 4,59% - giảm 1,46 điểm % so với năm 2017.
vay ki han 12 nam lai suat 459 moi nam Rủi ro tỷ giá và sức ép lạm phát khiến lợi suất trái phiếu gia tăng

Huy động hơn 147.000 tỉ đồng trái phiếu qua đấu thầu tại HNX

Tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) quý IV năm 2018 tổ chức hôm 14/12 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tính đến hết tháng 11, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương huy động được qua đấu thầu tại HNX đạt trên 147.017 tỉ đồng, giảm 24,3% so với năm 2017, tương ứng với tỉ lệ đấu thầu thành công đạt 50%.

vay ki han 12 nam lai suat 459 moi nam
Tình hình phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh, TPCQĐP 11 tháng đầu năm 2018. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ HNX.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 137.347 tỉ đồng, đạt 78,4% so với kế hoạch huy động đã điều chỉnh, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, chỉ riêng khối lượng KBNN huy động đã chiếm hơn 93% tổng khối lượng trái phiếu phát hành qua HNX.

Theo KBNN, một trong các yếu tố làm giảm khối lượng huy động TPCP năm 2018 là do yêu cầu gắn khối lượng phát hành với nhu cầu giải ngân dự án đầu tư.

vay ki han 12 nam lai suat 459 moi nam
Tình hình phát hành TPCP nói riêng (do Kho bạc Nhà nước phát hành) trong 11 tháng đầu năm nay. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ HNX.

Kì hạn phát hành 12,04 năm, lãi suất huy động 4,59%/năm

Cũng theo HNX, kì hạn phát hành bình quân năm 2018 đạt 12,04 năm, giảm 0,7 năm so với năm 2017. Cơ cấu nhà đầu tư có sự chuyển dịch mạnh mẽ, khối công ty bảo hiểm vươn lên đứng đầu về thị phần mua chiếm hơn 66,4% tỷ trọng trúng thầu của toàn thị trường. Năm 2017, tỉ trọng đầu tư vào TPCP của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư là khoảng 47%, năm 2016 là khoảng 20%.

Lãi suất trúng thầu trái phiếu giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2017, đặc biệt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, lãi suất huy động bình quân 11 tháng đầu năm 2018 là 4,59%, giảm 1,46 điểm % so với năm 2017.

vay ki han 12 nam lai suat 459 moi nam
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng đang phát biểu tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ quí IV/2018. Ảnh: HNX

Gần 1,1 triệu tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành

Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết vào cuối tháng 11 đạt khoảng gần 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 8,2% so với năm 2017, tương đương 20% GDP năm 2017. Trong đó giá trị niêm yết của trái phiếu Chính phủ tiếp tục chiếm trên 90%.

vay ki han 12 nam lai suat 459 moi nam

Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 8.779 tỉ đồng/phiên trong 11 tháng đầu năm, giảm 3,3% so với năm 2017.

Điểm sáng của thị trường TPCP là tỷ trọng giao dịch Repos đã tăng lên chiếm 53,7% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng 4,5% so với năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2018, khối ngoại chuyển sang vị thế bán ròng (gần 860 tỉ đồng) sau ba năm mua ròng liên tiếp.

Đánh giá về thị trường TPCP năm 2018, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (thuộc Bộ Tài chính) cho biết thị trường đã hoàn thành theo đúng lộ trình về các giải pháp, có khả năng đạt và vượt các mục tiêu đề ra đến năm 2020 về quy mô thị trường, tuy nhiên thị trường có một số điểm hạn chế như thanh khoản thị trường chưa thật ổn định, lãi suất phát hành có nhiều biến động…

Theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính và các bên liên quan phấn đấu đưa dư nợ toàn thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030.

Trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.

Lộ trình cũng đặt mục tiêu tăng tỉ trọng TPCP do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.

Xem thêm

Kiên Dương