|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VASEP muốn “siết” chất lượng cá tra xuất sang Trung Quốc

21:16 | 23/12/2016
Chia sẻ
Trước tình trạng có một phần sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) bị thả nổi về chất lượng, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm soát chất lượng trong thời gian tới.
vasep muon siet chat luong ca tra xuat sang trung quoc
VASEP muốn “siết” chất lượng sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu (ảnh minh họa). Ảnh: Trung Chánh.

Số liệu báo cáo của VASEP cho biết xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) năm 2016 đạt 305 triệu đô la Mỹ, tăng 90% so với năm 2015.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt, dự báo năm 2017 xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tiếp tăng khoảng 30-40% so với năm 2016.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính, đặc biệt là thị trường EU được dự báo chưa có sự cải thiện, nên thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ là “tâm điểm” của không ít doanh nghiệp ngành này trong năm 2017.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cảnh báo việc tập trung quá nhiều vào thị trường này có thể dẫn đến hỗn loạn, thậm chí suy sụp. “Việt Nam đã có rất nhiều bài học trong thương mại với thị trường Trung Quốc, mà đáng chú ý là sau thời gian phát triển ồ ạt sẽ trở nên hỗn độn và có thể rơi vào suy sụp”, ông cho biết.

Chính vì vậy, mục tiêu của VASEP đối với thị trường Trung Quốc trong năm 2017 là duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức chiếm khoảng 20% tỷ trọng của toàn ngành. “Duy trì ở mức ổn định, nhưng tập trung vào phân khúc phục vụ cho nhà hàng để trên cơ sở đó nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam, thay vì chạy theo sản lượng”, ông cho biết.

“Vì sao đặt ra mục tiêu như vậy?”, ông Hòe nêu câu hỏi và dẫn báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) trong năm 2016, cho thấy tổng khối lượng các lô hàng đơn vị này kiểm nghiệm xuất sang Trung Quốc là khoảng 75.000 tấn, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 300 triệu đô la Mỹ. “Điều này có nghĩa đã có khoảng 30.000 tấn xuất khẩu vào đây nhưng chưa được kiểm tra (căn cứ vào giá bán)”, ông cho biết.

Theo ông Hòe, số lượng 30.000 tấn này có thể được lưu hành ở dạng chất lượng thấp vì sản phẩm có chất lượng thấp nên họ (Trung Quốc) không yêu cầu lấy giấy chứng nhận chất lượng của doanh nghiệp. “Thực tế, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có việc này”, ông Hòe nói.

Trước thực trạng nêu trên, theo ông Hòe, biện pháp để giữ vững tốc độ tăng trưởng cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm ở thị trường Trung Quốc là bắt buộc phải kiểm soát chặt việc cấp giấy chứng nhận chất lượng khi xuất khẩu. “Nếu không kiểm soát chặt ở bên mình thì sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng kém trà trộn vào, làm cho thị trường ngày càng khó khăn hơn”, ông cho biết.

Do đó, ông Hòe một lần nữa nhấn mạnh cần phải tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là ở khâu chứng nhận để đảm bảo tính công bằng cho quá trình xuất khẩu và hoàn thành mục tiêu đạt 20% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cá tra năm 2017.

Trung Chánh