VASEP bổ sung thông tin qui trình chế biến thủy hải sản gỡ vướng cho DN bị áp thuế hàng 'chế biến' như 'sơ chế'
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có Công văn số 15/CV-VASEP gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) bổ sung thông tin về qui trình và công nghệ chế biến các sản phẩm thuỷ hải sản để giải quyết vướng mắc về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Đây là công văn của VASEP sau cuộc họp giữa Tổng cục Thuế và đại diện VASEP (ngày 14/8) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản và giải quyết kiến nghị trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.
Tại công văn này, VASEP cung cấp thêm các thông tin về qui trình và công nghệ chế biến của các nhóm hàng thuỷ sản khác nhau có đặc thù hoạt động chế biến theo đúng thực tiễn và đã được qui định tại Luật An toàn thực phẩm và Quyết định 27/2018/QĐ-TTg để Tổng cục Thuế có thêm căn cứ thực tiễn trong hoạt động chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.
Cụ thể, với cá tra, nguyên liệu cá tra được nuôi và cung cấp từ các ao nuôi kiểm soát nghiêm ngặt tại hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Được đưa về các nhà máy chế biến cá tra trong trạng thái cá phải còn sống để đảm bảo chất lượng và độ tươi theo yêu cầu cao nhất của khách hàng.
Hầu hết các dạng sản phẩm chế biến từ cá tra đều theo yêu cầu của thị trường (nhập khẩu, hay nội địa) để có thể xếp trên các kệ hàng (bán lẻ, thuận tiện cho người mua lựa chọn) hoặc đưa vào nhà hàng, khách sạn. Dù ở bất cứ dạng sản phẩm nào (fillet, cắt khúc, cuộn, cắt miếng, ép viên...) thì đều phải trải qua các quá trình, phương pháp công nghiệp.
Với tôm, nguyên liệu đa phần từ nguồn nuôi trong nước theo quy hoạch và kiểm soát của các tỉnh, được đưa vào nhà máy chế biến dưới dạng nguyên con hoặc bán thành phẩm ướp đá. Do đặc thù mùa vụ, nhiều nhà máy sẽ có thêm một phần nguyên liệu là từ nguồn nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm (đã qua sơ chế và đã cấp đông).
Hầu hết các dạng sản phẩm chế biến từ tôm đều theo yêu cầu của thị trường (nhập khẩu, hay nội địa) để có thể xếp trên các kệ hàng (bán lẻ siêu thị, thuận tiện cho người mua lựa chọn) hoặc đưa vào nhà hàng, khách sạn.
Dù ở dạng sản phẩm nào (có gia nhiệt hấp tạo màu hoặc không gia nhiệt, bóc vỏ hoàn toàn hoặc bóc một phần, rút chỉ, ép duỗi, xẻ lưng...) thì đều phải trải qua các quá trình-phương pháp công nghiệp.
Nếu sản phẩm có thêm công đoạn “luộc, hấp” gia nhiệt, thì còn phải trải qua phương pháp công nghiệp “hấp” bằng hệ thống thiết bị liên hoàn (nồi hơi, băng chuyền hấp) điều khiển được nhiệt độ và thời gian theo đúng yêu cầu công nghệ.
Ngoài ra, VASEP cũng cung cấp qui trình chế biến đối với cá ngừ; nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò...); nhuyễn thể chân đầu (mực lá, mực nang, mực ống, bạch tuộc...); thủy hải sản khác (các loại cá biển, sản phẩm phối trộn surimi...).
Đồng thời Hiệp hội giới thiệu 3 phương pháp công nghiệp áp dụng trong các công đoạn chế biến, đó là bảo quản bằng đá lạnh; cấp đông và bảo quản lạnh đông và sử dụng máy dò kim loại.
Trước đó, ngày 30/7, VASEP cũng đã gửi Công văn số 104/2020/CV-VASEP tới Tổng cục Thuế nêu vướng mắc về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thủy sản và đề xuất nội dung sửa đổi Thông tư 26/2015/TT-BTC.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp Hội viên VASEP, thời gian qua, các doanh nghiệp thủy sản đã gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến qui định và việc thực thi Thông tư 26 và Thông tư 96 theo hướng mà đa số mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu lại bị áp sang là hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến” khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp gây nhiều bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thuận về vấn đề này với VASEP, ngày 2/7, Bộ NN&PTNT có văn bản số 4476/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lí vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.
Tại công văn số 104/2020/CV-VASEP, VASEP đề nghị Tổng cục Thuế xem xét cho doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản được ưu đãi thuế TNdoanh nghiệp theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ bằng cách sửa đổi lại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.