Vẫn là câu hỏi lãi suất
Lãi suất cuối năm có "nhẹ nhàng"?
“Tiền thừa” là từ giờ đây không còn lạ lẫm trên thị trường bởi khác với mọi năm, từ đầu năm đến nay các ngân hàng luôn tràn trề thanh khoản trừ một số thời điểm ngắn có khan hiếm tạm thời do một số thông tin lùm xùm từ vấn đề của một vài ngân hàng thương mại.
“Chúng tôi có hạn mức tín dụng cao của ngân hàng từ đầu năm, đã đến lúc cần vốn để chuẩn bị lực cho mùa Tết rồi nhưng còn nấn ná chưa muốn ngân hàng giải ngân ngay, tôi muốn đợi lãi suất giảm chút xíu”, giám đốc một công ty thương mại nói, “Ai chẳng biết tiền thừa, tín dụng yếu hơn huy động, ngân hàng cứ thử “gan lì” được mãi hay không?”.
Nhưng ngân hàng thì lại nghĩ khác. Họ gan thật chứ không “thử”.
“Lãi suất cho vay của nhà băng các tháng cuối năm sẽ vẫn vậy, hoặc nếu giảm thì không đáng kể”, lãnh đạo một ngân hàng phát biểu với phóng viên. Không chỉ mình ông, có ít nhất vài đại diện ngân hàng khác cũng nghĩ như vậy.
Ngân hàng không tin lãi suất tiền đồng sẽ giảm theo quy luật của thị trường là có lý do của họ. Thông thường độ trễ để tiền thừa từ thị trường liên ngân hàng chảy qua thị trường dân cư cũng mất một vài tháng. Rõ ràng liên ngân hàng thừa tiền nhiều tháng nay. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng sáng ngày 19-9 đứng ở mức dưới 0,5%/năm cho kỳ hạn qua đêm đến một tháng, có ngân hàng nói nó thấp nhất trong lịch sử. Nhưng nó không chảy qua thị trường cho vay vì nó… không muốn chảy qua, để mặc doanh nghiệp và người dân khấp khởi mong chờ.
Ngân hàng thương mại nghĩ gì?
Có ý kiến khác trong các ngân hàng thương mại cho rằng, dư thừa thanh khoản của hệ thống chỉ mang tính tạm thời do việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm vốn qua kênh ngoại hối. Theo tin chúng tôi có được, từ đầu năm tới nay, NHNN đã mua được khoảng 12 tỉ đô la Mỹ từ các ngân hàng thương mại.
Cũng theo luồng ý kiến này, việc lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu kho bạc hay lãi suất trái phiếu chính phủ giảm liên tiếp, không tất yếu dẫn đến việc giảm lãi suất cho vay. Thậm chí, trong nhiều tình huống, lãi suất cơ bản và mặt bằng lãi suất cho vay có quan hệ trái chiều.
“Có thể coi đây là một dạng nhẹ của bẫy thanh khoản, việc bơm thêm tiền chỉ tác động đến lãi suất trái phiếu chính phủ và các doanh nghiệp có hệ số tín nhiệm cao”, một chuyên gia tài chính nhận xét. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại có trụ sở ở TPHCM vẫn giữ quan điểm từ đầu năm của ông, rằng tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay trong thời buổi cạnh tranh này rất khó. Với nhóm khách hàng có sức khỏe tài chính ổn định, uy tín thì các ngân hàng tranh nhau cho vay với lãi suất ưu đãi. Còn với nhóm khách hàng kinh doanh không mấy khả quan, không có tài sản thế chấp thì hầu hết các ngân hàng e ngại, sợ rủi ro, nợ xấu.
Theo nhóm phân tích chính sách của một nhà băng, tỷ lệ cho vay trên huy động của hệ thống tuy đang được cải thiện nhờ tốc độ huy động tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn còn ở mức cao và không đồng đều. Tính đến hết tháng 7, theo số liệu của NHNN, tỷ lệ này là 86,6%, trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là 93,5%, tức là còn cao hơn so với quy định. Đây là yếu tố không thể không tính đến, cản trở việc hạ lãi suất huy động và mở rộng tín dụng trong ngắn hạn.
Sâu xa từ bản thân các ngân hàng thương mại, họ không tin lãi suất liên ngân hàng thấp mãi. Trong nội tại ngân hàng nợ xấu vẫn còn là gánh nặng quá lớn nằm đó đang xử lý dần dần từng chút một. “Huy động các ngân hàng tốt nhưng chỉ toàn ngắn hạn trong khi cho vay thì dài hạn, tiền huy động không quay về ngân hàng bao nhiêu mà phần lớn chỉ đủ bù phần đã cho vay ra. Các ngân hàng vẫn sợ mất thị phần huy động nên có giảm lãi suất cũng còn nhòm ngó nhau chán chê”, đại diện một nhà băng nói.
Chờ tín hiệu “bóp cò”
Nhưng đằng sau mặt bằng lãi suất còn một lý do khác. Ngân hàng thương mại không thấy tín hiệu từ NHNN. Lãi suất mục tiêu của NHNN thực tế đã không hề hạ các tháng qua mặc dù đại diện cơ quan này nhiều lần tuyên bố họ muốn giảm lãi suất. Tại một cuộc họp mới đây, trước câu hỏi từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm hơn được không, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói rằng cơ quan điều hành sẽ “cố gắng phấn đấu” để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể, với vai trò điều tiết, NHNN sẽ thực hiện việc bơm/hút tiền đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý.
Câu trả lời trên được giới ngân hàng cho rằng “chẳng có tín hiệu nào” có thể coi như đèn xanh hay thể hiện một ý đồ, niềm tin rõ rệt của cơ quan điều hành rằng lãi suất chắc chắn sẽ phải giảm. Từ các yếu tố ở phía kinh tế vĩ mô, các ngân hàng hiểu rằng sâu xa NHNN vẫn lo ngại lạm phát nên hành động này được các ngân hàng thương mại “đọc” như thế phòng thủ của cơ quan điều hành.
Ngoài tăng trưởng ở mức thấp thì rủi ro lạm phát cũng đang quay trở lại với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như giá xăng dầu bật tăng, các đợt điều chỉnh giá dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục) và độ trễ từ xu hướng đẩy nhanh từ năm ngoái đến nay của tín dụng. Lạm phát tăng có thể sẽ kéo theo kỳ vọng mặt bằng lãi suất và tỷ giá tăng theo tuy điểm tích cực là thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất ổn định. Nhưng một khi tín hiệu từ NHNN, cơ quan chỉ huy, không rõ thì sẽ chẳng ngân hàng thương mại nào “xung phong”. Có lẽ thị trường đến thời điểm này đã “ngấm” khá rõ điểm rất khác ở phong cách điều hành của tân thống đốc sau hơn nửa năm ông ngồi vào vị trí.
Nếu nhìn từ góc độ của nhà điều hành trong mối tương quan với các nhiệm vụ trong Chính phủ thì rõ ràng NHNN đã và đang gặp thuận lợi, nếu không nói là khá may mắn. Với cơ cấu nội tại của nền kinh tế, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP xung quanh mức 6%, trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 16% đến 18% là một “cặp đôi” lý tưởng và dường như nền kinh tế đang hướng đến các con số này.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ rõ ràng ổn định nhất trong nhiều năm, quỹ dự trữ ngoại hối có tin vui vì được cải thiện. Trong bối cảnh đó, rất có thể cơ quan điều hành cho rằng các can thiệp kinh tế là không cần thiết.
Tóm lại, các nhà băng tin lãi suất từ nay tới cuối năm sẽ đứng yên hoặc nếu giảm thì rất nhẹ, song điểm lạc quan cho doanh nghiệp là họ đều cho rằng khả năng tăng lên của lãi suất là không cao.
Dù sao đi chăng nữa, ở cuối chuỗi mắt xích chính phủ-ngân hàng-doanh nghiệp này, các doanh nghiệp vẫn phải chịu phần bị động nhiều nhất.
Theo Hồng Phúc
TBKTSG