Vận hành đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần hơn 13.000 người, sẽ đào tạo trước 200 cán bộ chủ chốt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cóĐề án Tái cơ cấu VNR để thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Theo đó, VNR sẽ thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao (do VNR nắm giữ 100% vốn điều lệ) để tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được bàn giao từ Dự án Xây dựng Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, gồm cầu, hầm, nền đường, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điện và các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khác có liên quan đến đường sắt tốc độ cao.
Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt tốc độ cao (cũng do VNR nắm giữ 100% vốn điều lệ) tiếp nhận phương tiện, thiết bị và công trình công nghiệp đường sắt tốc độ cao đầu tư từ Dự án để kinh doanh vận tải và trả phí thuê hạ tầng đường sắt tốc độ cao; kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia hợp tác, kinh doanh.
Về quy mô nhân sự, VNR cho hay do quy mô đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài là 1.545 km vì vậy, để quản lý, vận hành, khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam, cần 8,98 người/km.
Như vậy, tổng số nhân lực dự kiến cho Dự án đường sắt tốc độ cao là 13.880 người. Trong đó, giai đoạn I (2027 - 2035, xây dựng hai phân đoạn đầu tiên với tổng chiều dài khoảng 651 km) dự kiến cần 5.943 người; giai đoạn II (2035 - 2040, xây dựng các đoạn còn lại, tổng chiều dài khoảng 894 km) cần 7.937 người.
Ngay trong giai đoạn 2025 - 2027, VNR dự kiến đào tạo 200 cán bộ chủ chốt gồm cán bộ chủ chốt, giáo viên, kỹ thuật, tài chính dự án, quản lý dự án… bằng nguồn vốn của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.
VNR cũng đưa ra lộ trình tái cơ cấu tương ứng với dự án đường sắt tốc độ cao. Cụ thể, giai đoạn 2025-2030, mô hình tổ chức quản lý của VNR cơ bản giữ nguyên hiện nay song các đơn vị đều tăng về năng lực, quy mô nhân sự để vừa khai thác hệ thống đường sắt hiện tại, vừa tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Giai đoạn 2030-2032, mô hình tổ chức quản lý của VNR bắt đầu điều chỉnh lớn, tách bạch hai tổ chức riêng biệt là đường sắt thường và đường sắt tốc độ cao; thành lập hai đơn vị quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao. Giai đoạn 2032 - 2045, VNR sẽ điều hành tập trung, thống nhất toàn mạng đường sắt hiện có thông qua Trung tâm điều hành giao thông vận tải đường sắt.
Trước đó, tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra cuối tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành bám sát kết luận của Bộ Chính trị, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án.
Trong đó cần lưu ý làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao bao gồm cả phương án huy động vốn. Đưa ra các số liệu, dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, khoa học để phân tích đầy đủ, rõ nét hơn tác động của đường sắt tốc độ cao đến tổng thể nền kinh tế - xã hội: giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu quả nền kinh tế; tác động lan tỏa, phát triển đô thị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy phát triển du lịch...
Trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài. Về kịch bản phát triển, Phó thủ tướng cho rằng cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Gắn với kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục "xương sống".
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách "đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.