Ván cược của tỷ phú Warren Buffett: Microsoft chắc chắn sẽ có tiền trong thương vụ mua lại Activision Blizzard
Tháng 1, giới công nghệ đã có một phen sốc khi gã khổng lồ Microsoft công bố thỏa thuận mua lại nhà phát hành game Activision Blizzard với giá 68,7 tỷ USD. CEO Microsoft Satya Nadella coi thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay là một động lực cho chiến lược metaverse của công ty, mặc dù Activision được biết đến với các trò chơi bom tấn như Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush, chứ không phải là sự kết hợp của những công nghệ AR/VR hay bất kỳ công nghệ nào cho metaverse.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, với vị thế hiện tại, Microsoft hoàn toàn có khả năng trở thành người dẫn đầu ở cả thị trường metaverse lẫn thị trường game. Thỏa thuận được đề xuất vẫn cần sự chấp thuận từ các cổ đông và cơ quan quản lý, dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 6/2023.
Trong thỏa thuận mua lại, Microsoft đã đề cập tới khái niệm metaverse. Từ giờ cho đến khi thỏa thuận được hoàn tất, Microsoft đang nói về một mô hình song song. “Game đã trở thành chìa khóa của Microsoft kể từ những ngày đầu tiên chúng tôi thành lập công ty. Ngày nay, nó là hình thức giải trí lớn nhất và phát triển nhanh nhất. Khi thế giới kỹ thuật số và vật lý kết hợp với nhau, game sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse”, CEO Microsoft cho biết.
Không còn nghi ngờ gì về khả năng sinh lời của thị trường game. Theo công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, thị trường game toàn cầu có doanh thu 180,3 tỷ USD vào năm 2021, ước tính có thể tăng lên 218,8 tỷ USD vào năm 2024.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính rằng có 2,96 tỷ người trên toàn thế giới đã chơi ít nhất một tựa game vào năm trước. Con số này dự kiến đạt 3,09 tỷ người vào năm 2022, tức khoảng 1/3 dân số toàn trái đất.
Activision Blizzard và metaverse
Lần đầu tiên Microsoft tiến vào thị trường game là vào năm 2001, thời điểm hãng phát hành máy chơi game Xbox, hiện đã ở thế hệ thứ 4 và đạt doanh số bán hàng tăng vọt 14% trong quý III/2021. Ngày nay, bộ phận Microsoft Gaming, do ông Phil Spencer điều hành, sở hữu 23 studio thiết và phần mềm cùng hàng trăm tựa game khác nhau. Dịch vụ đăng ký Game Pass của bộ phận này có hơn 25 triệu khách hàng, trong khi gần 10 triệu người đã phát trực tuyến trò chơi trên dịch vụ Xbox Cloud Gaming.
Mặc dù Activision không được coi là một ông lớn trong lĩnh vực metaverse (định nghĩa về game trên metaverse vẫn còn mơ hồ), nhưng một trong những tựa game nổi tiếng của hãng đang cung cấp ví dụ điển hình về cách hoạt động của nó. Blizzard đã phát hành World of Warcraft vào năm 2004, hãng game sau này hợp nhất với Activision vào năm 2008.
“Đó là một thế giới ảo mà bạn có thể dạo quanh cùng mọi người, xây dựng đế chế cho riêng mình và tấn công những người khác. Đó là metaverse”, Mike Sepso, CEO Vindex, một nền tảng cơ sở hạ tầng về thể thao điện tử cho biết.
Sepso cũng chỉ ra một số trò chơi khác kết hợp các yếu tố giống với metaverse, chẳng hạn như Roblox, Fortnite, Second Life và Minecraft. Trên các nền tảng đó, người chơi có thể dịch chuyển giữa hàng triệu trò chơi, xây dựng không gian mở và thậm chí tham dự các buổi hòa nhạc. Hầu hết trò chơi này đều yêu cầu bộ điều khiển và tai nghe VR, điều này ủng hộ Microsoft, với phần cứng HoloLens và Xbox.
Thế giới ảo trong những trò chơi đó có thể không hiện đại bằng những thế giới được tiên lượng bởi những người đề xuất metaverse, nơi người dùng đắm chìm trong thực tế hỗn hợp giữa các cuộc họp kinh doanh, thăm khám tại bệnh viện, đi nghỉ dưỡng hay thậm chí là mua sắm trực tuyến. Các tựa game này thực tế là những gì mà Microsoft đã định vị về công ty của họ. Việc bổ sung những tính năng cũng như các tựa game của Activision càng nâng cao triển vọng của Microsoft trong ngành game.
“Tôi chắc chắn rằng metaverse là một phần mở rộng của những gì mà bộ phận game của Microsoft đang làm”, Spencer chia sẻ trên tờ The New York Times. Các nhà phát triển của Microsoft đang tưởng tượng ra không gian làm việc ảo và những gì họ học được từ các tựa game đang giúp họ hoàn thành nhiệm vụ về metaverse.
Theo một nghiên cứu gần đây về các game thủ Gen Z của Razorfish và Vice Media Group, họ dành thời gian đi chơi với bạn bè trong metaverse nhiều gấp đôi so với ngoài đời. Hơn một nửa trong số đó cho biết họ muốn trải nghiệm kiếm tiền trong metaverse, 33% muốn trải nghiệm xây dựng sự nghiệp tại đó và 20% còn lại yêu thích giải trí/thư giãn.
Microsoft giữa tâm bão cổ phiếu công nghệ
Trong khi nhiều công ty công nghệ đang làm ăn thua lỗ, Microsoft vẫn chứng minh được vị thế của mình. Nhu cầu với các dịch vụ chính của Microsoft là dịch vụ đám mây và phần mềm, hai yếu tố cốt lõi của metaverse, vẫn được duy trì ở mức cao.
Activision mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I với kết quả kinh doanh tương đối mờ nhạt, chủ yếu do nhu cầu của game thủ với tựa game chính Call of Duty đang giảm dần.
Tuy nhiên, có một dữ kiện đáng chú ý đó là tỷ phú Warren Buffett đang tăng sở hữu tại Activision. Đây là một ván cược khá mâu thuẫn của tỷ phú người Mỹ. Dù vậy, ai cũng biết Warren Buffett là một “huyền thoại tài chính” với tầm nhìn xa hơn người. Vì vậy, phải có lý do gì đó để khiến ông quyết nâng sở hữu tại đây. Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett hiện sở hữu khoảng 9,5% cổ phần Activision.
“Thỉnh thoảng tôi sẽ thấy một giao dịch chênh lệch giá và thực hiện nó. Đôi khi có vẻ như tỷ lệ cược có lợi cho chúng tôi, nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể mất tiền vào công ty đó, một số tiền khá lớn, tùy thuộc vào điều gì đã xảy ra nếu thỏa thuận thất bại", tỷ phú Warren Buffett cho biết và tin tưởng rằng thỏa thuận mua lại Activision của Microsoft sẽ diễn ra suôn sẻ.
“Chúng tôi không biết Bộ Tư pháp sẽ làm gì, chúng tôi cũng không biết EU sẽ làm gì, chúng tôi không biết 30 khu vực pháp lý khác sẽ làm gì. Dù vậy, có một điều tôi chắc chắn đó là Microsoft sẽ có tiền”, tỷ phú Warren Buffett nói thêm.
Tiềm năng trở thành người dẫn đầu thị trường metaverse
Số phận ông Bobby Kotick, CEO hiện tại của Activision đang tương đối bấp bênh. Ông là một phần của hai cuộc điều tra liên bang riêng biệt do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cùng Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng vào năm ngoái, về cách công ty xử lý các cáo buộc của nhân viên liên quan đến hành vi quấy rối tình dục và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Tháng 11/2021, The Wall Street Journal báo cáo rằng Kotick đã xử lý sai các cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục.
Vấn đề đó đã thu hút sự chú ý của Spencer trước khi thỏa thuận được công bố. Tháng 11 năm ngoái, khi các tiêu đề được đăng tải, Bloomberg báo cáo rằng ông Spencer đã nói với các nhân viên rằng ông “bị xáo trộn và vô cùng lo lắng trước những sự kiện và hành động khủng khiếp” tại Activision Blizzard và Microsoft đang “đánh giá tất cả khía cạnh của mối quan hệ với Activision Blizzard và thực hiện các điều chỉnh chủ động liên tục” như một hệ quả tất yếu.
Trên thực tế, đây là khoảng thời gian mà Spencer và các quan chức hàng đầu của Microsoft bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận mua lại Activision.
“Khi giao dịch mua lại Activision được hoàn tất, Microsoft Gaming sẽ là công ty trò chơi đứng thứ ba thế giới về doanh thu, sau Tencent và Sony. Cho đến lúc đó, Activision Blizzard và Microsoft Gaming sẽ tiếp tục hoạt động độc lập. Sau khi thỏa thuận hoàn tất, công việc kinh doanh của Activision Blizzard sẽ báo cáo cho tôi”, ông Spencer nói.
“Thỏa thuận này sẽ giải quyết được một số vấn đề cho Microsoft. Nó bổ sung rất nhiều IP và cơ sở dữ liệu người chơi tuyệt vời cho dịch vụ Game Pass của Microsoft trong ngắn hạn. Về lâu dài, IP đó có thể được mở rộng cho việc phát triển hệ sinh thái metaverse. Điều này đặt Microsoft vào một vị thế có thể khiến các công ty khác phải ghen tỵ”, CEO Mike Sepso nhấn mạnh.