|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VAMC cả năm xử lý được 0,65% nợ xấu

08:39 | 27/08/2016
Chia sẻ
Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa hiệu quả khi năm 2014 chỉ xử lý được 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ nợ xấu đã mua, tương ứng 0,65%.
vamc ca nam xu ly duoc 065 no xau
Nợ xấu xử lý chưa hiệu quả. Minh họa Vneconomy

"Nợ xấu và xử lý nợ xấu chưa thực chất, nợ xấu chưa xử lý vẫn nằm trong VAMC là rất lớn" - ông Phạm Thanh Sơn Kiểm toán trưởng chuyên ngành VII khẳng định tại buổi Họp báo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 26/8 tại Hà Nội.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC. Các tổ chức tín dụng báo cáo có 143.500 tỉ đồng được xử lý nợ xấu trong năm 2014 nhưng trong đó 79.610 tỉ đồng là bán cho VAMC.

Trong khi đó, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỷ nợ xấu đã mua. Tỷ lệ nợ xử lý thực chất khoảng 0,65%.

Ông Phạm Thanh Sơn cho rằng, việc xử lý nợ xấu chưa được đẩy nhanh do còn nhiều vướng mắc về pháp lý về tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa hợp lý. Các tổ chức tín dụng hầu hết đều phân loại nhiều nợ vào nhóm 1 (nhóm nợ đủ tiêu chuẩn). Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị giảm dư nợ nhóm 1 của BIDV là 379,6 tỉ đồng, VCB là 142,2 tỉ đồng, Vietinbank là 142,4 tỉ đồng. Dư nợ giảm này được điều chỉnh vào số liệu của các nhóm nợ xấu "nguy hiểm" hơn.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một vài hạn chế khác của các tổ chức tín dụng như trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ. Một số đơn vị quản lý tiền mặt, tiền gửi chưa chặt chẽ, một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng, một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp.

Minh Tâm