Vai trò công ty chứng khoán đang bị bỏ ngỏ khi cung cấp dịch vụ copy trade?
Thực trạng giao dịch copy trade trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Câu hỏi trách nhiệm của công ty chứng khoán được đặt ra ở đây bởi hoạt động copy trade trên thị trường đang tồn tại nhiều vấn đề trong khi đây là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp, trọng yếu đến tài khoản nhà đầu tư.
Trước tiên, nói qua về bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể nói rằng kênh chứng khoán đang trong thời kỳ “đại chúng hóa”, nở rộ nhất. Mỗi tháng thị trường có thêm hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới. Gần 5,3 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới trong 4 năm qua, gấp đôi những gì đạt được gần 20 năm trước đó.
Nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường là những người mới F0, thậm chí không có nền tảng về tài chính, chứng khoán. Điều này đặt ra nhu cầu rất lớn về tư vấn đầu tư, giao dịch.
Trong xu hướng tăng nhanh về lượng nhà đầu tư, ba chiến lược được các công ty chứng khoán xây dựng để đánh chiếm thị phần. Thứ nhất là mô hình truyền thống mở rộng đội ngũ môi giới, nhân viên tư vấn đầu tư (SSI, VPS, VNDirect), số nhân viên môi giới tăng theo lượng khách hàng. Thứ hai là mô hình không môi giới (neobroker) dựa trên nền tảng công nghệ (TCBS, AIS, DNSE, Pinetree).
Thứ ba là giao thoa cả hai chiến lược trên, tức vừa duy trì đội ngũ môi giới, vừa cho phép nhà đầu tư giao dịch chủ động hay sao chép giao dịch. Song, có thể nói rằng tỷ trọng áp dụng giải pháp không môi giới ở nhóm công ty theo đuổi chiến lược thứ ba không lớn.
Với mô hình không môi giới, những nhà đầu tư trở thành môi giới của chính mình hoặc tư vấn cho khách hàng khác cùng công ty. Giao dịch sao chép (copy trade) được công ty chứng khoán ra mắt thị trường như một ứng dụng công nghệ mới để giao dịch chứng khoán.
Cách làm hiện nay của công ty chứng khoán là tổ chức một nhóm nhà đầu tư xây dựng tài khoản mẫu tức tài khoản để giao dịch sao chép. Sau đó, nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch sao chép lọc chọn tài khoản mẫu và đăng ký. Những tài khoản sao chép sẽ thực hiện giao dịch tự động theo đúng cơ cấu danh mục của tài khoản mẫu.
Để nhà đầu tư có thể lựa chọn, các tài khoản mẫu được thống kê về tỷ suất lợi nhuận theo tháng, quý hoặc trong vòng một năm, tỷ lệ giao dịch lãi/lỗ, khẩu vị nhóm ngành hay cổ phiếu ưa thích thường xuyên được giao dịch, số lượng người sao chép cũng như giá trị danh mục đầu tư thực hiện sao chép theo tài khoản mẫu… Thậm chí, nhà đầu tư có thể lựa chọn tài khoản mẫu hợp tuổi, hợp mệnh.
Nhưng liệu rằng những tiêu chí như trên có đủ tin cậy để nhà đầu tư sao chép lệnh?
Đáp án cho câu trả lời này sẽ cho thấy vai trò của công ty chứng khoán, một vai trò thực sự đáng lớn nhưng còn đang bỏ ngỏ với nhà đầu tư.
Liệu thị trường có bỏ ngỏ vai trò của công ty chứng khoán?
Nếu so sánh, giao dịch copy trade với nghiệp vụ quản lý danh mục ở các công ty quản lý quỹ có nhiều nét tương đồng. Chẳng hạn, nhà quản lý quỹ thiết kế một danh mục đầu tư mẫu, như một rổ cổ phiếu, ETF… giống những người cung cấp tài khoản sao chép. Điểm khác biệt là tính độc lập của nhà quản lý quỹ với nhà đầu tư trong nghiệp vụ quản lý quỹ. Còn với copy trade thì khác, nhà đầu tư có thể tác động vào tài khoản thực hiện trước và sau giao dịch.
Sở dĩ nghiệp vụ quản lý quỹ được đề cập ở đây, bởi trên thị trường hiện nay, dường như mức phí phải trả khi copy trade tham chiếu mức phí mà nhiều công ty quản lý quỹ áp dụng, ở mức 1 – 2% tổng tài sản thuộc quyền quản lý (AuM). Thứ hai, khi thị trường chưa được đặt ra một quy chuẩn nhất định với giao dịch copy trade, những gì được áp dụng một cách cơ bản với hoạt động quản lý quỹ có thể là thang đo không thể tốt hơn.
Với những công ty quản lý quỹ, thông tin để nhà đầu tư tham khảo đầy đủ hơn đáng kể. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu chi tiết đầy đủ, từ thông tin cá nhân của nhà quản lý quỹ, kinh nghiệm của họ, tỷ suất lợi nhuận của những quỹ thuộc quyền quản lý trong một thời gian đủ dài có thể (5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc dài hơn thế). Đơn cử, nhà đầu tư có thể theo dõi được lợi nhuận hàng tháng của quỹ Pyn Elite Fund trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi bắt đầu vận hành vào tháng 2/1999.
Chưa dừng lại ở đó, những nhà quản lý quỹ vừa phải đáp ứng những tiêu chuẩn hành nghề, vừa phải tuân thủ quy chế quỹ, quy chế đạo đức nghề nghiệp. Không ít người từng bị xử phạt với lỗi công bố thông tin khi giao dịch chứng khoán.
Trong khi đó, với những thông tin về người xây dựng tài khoản mẫu như đã đề cập hiện nay khá sơ sài. Nhà đầu tư không có điều kiện để tiếp cận đầy đủ thông tin đầy đủ từ thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm. Điểm đáng nói, chính các công ty chứng khoán hiện nay không có đủ dữ liệu về hiệu suất đầu tư của nhà đầu tư xây dựng tài khoản mẫu để công bố cho nhà đầu tư nếu như người cung cấp không giao dịch chứng khoán trước đó tại công ty.
Mức lợi nhuận theo tháng, quý, năm đang trở thành tiêu chí đầu tiên để nhà đầu tư lựa chọn. Nhưng chứng khoán không chỉ có lợi nhuận, mà còn có rủi ro. Nhà đầu tư cung cấp tài khoản mẫu từng lỗ bao nhiêu khi thị trường lao dốc, hoặc tồi tệ hơn là “cháy” tài khoản, người sao chép lệnh không hay biết.
Nhìn sang quy định hiện hành ở thị trường tài chính phát triển, tham khảo theo tài liệu của Cơ quan Giám sát Thị trường Chứng khoán Châu Âu (European Securities and Markets Authority - ESMA), vai trò của các công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ copy trade được đề cao nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Ví dụ, công ty chứng khoán phải đánh giá đầy đủ thông ty để đảm bảo rằng những người cung cấp tài khoản mẫu, đưa ra lời khuyên cho khách hàng thực hiện theo chiến lược đã được đưa ra, cam kết với công ty, thị trường. Thậm chí, nếu người đó ký hợp đồng chính thức với công ty có thể thay mặt cho công ty thực hiện một số nghiệp vụ theo kiến thức, năng lực hoặc nghĩa vụ của họ.
Ngoài ra, ranh giới giữa copy trade, tư vấn đầu tư hoặc tư vấn quản lý tài sản khá mong mạnh. Nên các tổ chức sẽ tuyển dụng nhân viên có kỹ năng, kiến thức, chuyên môn tương đồng với phạm vi công việc được giao.
Hơn nữa, các công ty phải xây dựng một cơ chế giám sát để đảm bảo rằng những người xây thiết kế danh mục hoặc những người có liên quan của họ (vợ chồng, anh chị em…) không có khả năng tác động, ngăn cảnh việc thực hiện giao dịch lành mạnh, trung thực và chuyên nghiệp.
Từ những phân tích trên cho thấy vai trò của công ty chứng khoán trong việc đảm bảo hoạt động copy trade là không hề nhỏ. Những tiêu chuẩn đủ để cho nghiệp vụ này là cần thiết. Vai trò quản lý, giảm sát, tính trách nhiệm của công ty chứng khoán cần được đề cao hơn.
Bởi nếu theo cách làm như hiện nay, nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình trong khi những người cung cấp dịch vụ copy trade chưa được quản lý, đánh giá một cách đầy đủ và đúng nghĩa. Tới đây, nếu lật ngược vấn đề, nếu nhà đầu tư có đủ năng lực để đánh giá về năng lực cá nhân, lợi nhuận, rủi ro của nhà cung cấp, liệu khi đó còn lựa chọn copy trade để giao phó tài sản. Liệu rằng copy trade còn là giải pháp hữu ích với nhà đầu tư mới như nêu đầu bài viết?