|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hai mặt của sao chép giao dịch (copy trade): NĐT cần làm gì để không 'hiện đại, hại tiền'?

08:25 | 18/09/2023
Chia sẻ
Copy trade (sao chép giao dịch) không phải khái niệm mới, đã có từ lâu trên thế giới nhưng vài năm gần đây mới bắt đầu được ứng dụng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Copy Trade mang lại nhiều sự thuận tiện trong việc đầu tư, song cũng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Copy trade - sản phẩm kết hợp công nghệ và chứng khoán

Hiểu một cách đơn giản, copy trade là công cụ giúp nhà đầu tư (NĐT) sao chép lại y nguyên giao dịch của một tài khoản định danh nào đó (của người khác), mà không quan tâm nhiều tới hành động, bản chất như thế nào. Đây là một sản phẩm kết hợp giữa công nghệ và chứng khoán. Tại Việt Nam, công cụ được biết đến nhiều hơn với các giao dịch Forex hay tiền điện tử, trong khi còn khá mới mẻ đối với kênh cổ phiếu.

Những tài khoản định danh (tài khoản mẫu) được giới thiệu là các NĐT chuyên nghiệp (pro trader), thường là môi giới (broker) hoặc KOL (người có am hiểu lĩnh vực, có sức ảnh hưởng) trên sàn chứng khoán, có trình độ cao hay sở hữu lịch sử đầu tư với nhiều thương vụ thắng lợi lớn. NĐT hay khách hàng sẽ sao chép theo cách giao dịch của pro trader. Ví dụ, khi tài khoản này mua cổ phiếu A giá 2x, tỷ trọng 30% danh mục, thì tài khoản của NĐT cũng sẽ mua vào A giá 2x, tỷ trọng 30%; lúc bán ra cũng tương tự.

(Ảnh minh họa: Forex Factory).

Copy trade đem về lợi ích cho nhiều bên

Mục đích của copy trade là để NĐT có cùng vị thế với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mà họ đang sao chép và thực hiện đầu tư theo quyết định đầu tư của người này. Qua đó, copy trade giúp những NĐT không am hiểu sâu về chứng khoán có thể mua bán theo người đã có kinh nghiệm trên thị trường.

Với điều kiện thuận lợi, NĐT sẽ có lãi tương ứng với tài khoản sao chép, mà không cần phải bỏ thời gian, công sức tìm hiểu, nghiên cứu doanh nghiệp, thị trường, xem xét điểm mua bán cổ phiếu,... Phí tham gia sản phẩm này (nếu có) cũng được niêm yết rõ ràng.

Tại Việt Nam, một số công ty chứng khoán đã cung cấp copy trade, hợp thức hoá thành một sản phẩm dịch vụ chứng khoán trong vài năm trở lại đây, tiên phong là Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán MB (MBS).

Công ty chứng khoán sẽ liệt kê toàn bộ danh sách các tài khoản mẫu đã được sàng lọc về hiệu quả đầu tư, cấp độ rủi ro, tổng tài sản, số lượng người sao chép,... cho NĐT lựa chọn. Một tài khoản mẫu đạt “top” có thể được hàng nghìn NĐT sao chép lệnh, mà không cần tới người nhập lệnh và quản lý. Công ty chứng khoán được lợi từ việc thu hút những nhà đầu tư giỏi lập tài khoản mẫu, phí sản phẩm Copy Trade, cũng như các loại phí giao dịch, phí dịch vụ margin thông thường.

Chính sách hoa hồng cho Pro Trader (iTrader) của TCBS. (Nguồn: TCBS).

Về phía nhà đầu tư chứng khoán, những người này phải nghiên cứu doanh nghiệp, thị trường, phân tích điểm mua bán phù hợp và xử lý tốt trước mọi tình huống, không chỉ cho họ mà còn cho nhóm nhiều NĐT sao chép theo.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư tạo lập tài khoản mẫu trên thị trường chính là những nhân viên tư vấn, thậm chí lãnh đạo của một chi nhánh công ty chứng khoán, hội sở. Để hoạt động theo đúng quy định, tài khoản mẫu được định theo theo thông tin cá nhân của người nhà nhưng về bản chất đây có thể là giao dịch của chính nhân viên môi giới khi thường xuyên được truyền thông trên trang cá nhân mạng xã hội.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhận được phần phí từ công ty chứng khoán chia, tùy theo hiệu quả đầu tư và thu hút lượng NĐT. Ví dụ tại TCBS, pro trader (được gọi là iTrader) có thể được TCBS trả tối đa đến 85% từ phí quản lý và phí hiệu quả đầu tư mà TCBS thu của khách hàng (ở hạng Guru).

NĐT đối mặt với không ít rủi ro

Giống như hai mặt của đồng xu, bên cạnh lợi ích, copy drade cũng sở hữu điểm bất cập. Phần nhiều rủi ro do nhà đầu tư thực hiện sao chép lệnh hứng chịu. Trường hợp tài khoản mẫu lỗ sẽ kéo tài khoản của hàng loạt NĐT lỗ theo. Người cung cấp tài khoản sao chép hay công ty chứng khoán đều không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào, và họ vẫn nhận được các khoản phí từ việc giao dịch của NĐT như thường.

Trước câu chuyện này, ông Vicente Nguyen, Giám đốc Đầu tư của AFC Vietnam Fund, chỉ ra nếu không may, NĐT sẽ lỗ theo tài khoản của tài khoản mẫu. Khi đó, những người này cũng có thể giải thích do yếu tố khó đoán của thị trường, bản thân họ cũng lỗ,...

Quan điểm của nhà quản lý quỹ cho rằng copy trade tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí có thể khiến NĐT "cháy" tài khoản. Hiện một người hoàn toàn có thể quản lý cả trăm tài khoản, đứng tên họ hoặc người thân quen, thậm chí tài khoản mượn... Nghĩa là nhiều tài khoản hoàn toàn không đứng tên chủ thực.

“Chỉ cần để một ít tiền trên tài khoản chính danh, giả mua vào cổ phiếu nào đó với tỷ trọng 100%, thế là hàng trăm tài khoản với NAV (giá trị tài sản ròng) hàng trăm tỷ đồng mua theo ngay. Đương nhiên, khi khối lượng mua cao như thế, giá sẽ tăng. Cuối cùng môi giới (tức Pro Trader) chỉ cần bán trên tài khoản khác (tài khoản mượn, người thân quen,...) thì NĐT sẽ bị thiệt hại.

Vấn đề đạo đức, uy tín của người cung cấp tài khoản sao chép cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Theo ông Vicente, NĐT thường bị cuốn vào những lý lẽ như người kia (pro trader) trong nghề cả chục năm rồi, tạo dựng sự nghiệp tốt, giàu có, không thể đi làm hại tài khoản nhỏ làm gì cả. Vị chuyên gia đồng thuận rằng không phải ai cũng xấu, nhưng nếu NĐT tạo điều kiện cho ai đó làm việc xấu, họ cũng khó mà “giữ mình”.

Về tổng quan, copy Trade là một sản phẩm tiến bộ, đáng tham khảo. Tuy nhiên, NĐT cũng cần hiểu rõ yếu tố rủi ro, khả năng thiệt hại nếu tham gia. Trách nhiệm quản trị rủi ro trong copy trade hoàn toàn khác nếu so với nghiệp vụ ủy thác đầu tư tại công ty chứng khoán hay quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Cuối cùng, NĐT là người chịu trách nhiệm về tài sản của mình, nên việc quá lệ thuộc vào người khác là một quyết định cần cân nhắc.

Xuân Nghĩa

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.