|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vải thiều bọc trong hộp lụa vàng, hét giá 200 nghìn 12 quả vẫn cháy hàng

06:56 | 27/06/2019
Chia sẻ
Vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy từ Nhật Bản chuyển về. Trong hộp, quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả nhưng vẫn cháy hàng.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết, chỉ vài ngày nữa là chính thức kết thúc vụ thu hoạch vải thiều năm 2019. Sản lượng vải năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 93.000 tấn, trong khi năm ngoái là 150.000 tấn.

Song, đổi lại năm nay giá vải thiều cân bán cho các vựa thu mua rất cao, trung bình khoảng 36.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu từ vải thiều toàn huyện Lục Ngạn đạt khoảng trên 3.000 tỷ đồng".

Đáng chú ý, ngoài diện tích vải thường, ông Bình tiết lộ, năm nay huyện Lục Ngạn có làm mô hình trồng vải thiều hữu cơ ở hai xã là Quý Sơn và Giáp Sơn với diện tích 20ha.Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết, chỉ vài ngày nữa là chính thức kết thúc vụ thu hoạch vải thiều năm 2019. Sản lượng vải năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 93.000 tấn, trong khi năm ngoái là 150.000 tấn.

Vải thiều bọc trong hộp lụa vàng, hét giá 200 nghìn 12 quả vẫn cháy hàng - Ảnh 1.

Vải thiều hữu cơ được bán với giá cao.

Đây là lần đầu tiên huyện tiến hành trồng thí điểm có liên kết với doanh nghiệp. Các vườn được chọn trồng vải thiều hữu cơ đều là vườn vải có chất lượng, chủ vườn là người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Đặc biệt, vườn vải còn được lắp đặt camera giám sát toàn bộ quy trình chăm sóc cũng như thu hái.

Chia sẻ với Vietnamnet, ông Bình cho biết: “Năm đầu tiên trồng thí điểm, sản lượng vải thiểu hữu cơ mới đạt khoảng 200 tấn. So với làm theo phương thức truyền thống thì vải thiều hữu cơ còn cho sản lượng cao hơn. Đến thời điểm hiện tại, vải đã bán hết sạch, giờ không còn quả nào nữa”.

Cũng theo ông Bình, vải thiều hữu cơ có chất lượng ngon vượt trội, quả đều màu nên giá bán tại vườn đã lên tới 80.000 đồng/kg.

Đặc biệt, những quả vải thiều hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy (loại hộp giấy này được đặt làm từ Nhật Bản chuyển về), trong hộp quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng rồi xuất bán tại vườn với giá 200.000 đồng/hộp 12 quả (khoảng gần 17.000 đồng/quả).

Vỏ hộp làm bằng giấy thiết kế đẹp mắt, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm. Trong hộp, quả vải được đặt nổi bật trên vải lụa vàng.

Cách đóng gói vải trong hộp lót lụa là của một hộ gia đình ở xã Giáp Sơn. Hộ này được cho là đã bán khoảng 200 hộp, thu về 40 triệu đồng.

Sản phẩm này lần đầu tiên được doanh nghiệp đóng gói, cung cấp cho đối tượng người tiêu dùng chuyên sử dụng sản phẩm cao cấp trong nước.

Vải thiều bọc trong hộp lụa vàng, hét giá 200 nghìn 12 quả vẫn cháy hàng - Ảnh 2.

Sản lượng vải thiều năm nay kém hơn năm ngoái nên giá cũng cao hơn.

Theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vải thiều (380.000 tấn), chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Chất lượng vải thiều cũng được đánh giá là tốt nhất thế giới. Song, Việt Nam, trong đó có Bắc Giang lại chủ yếu chỉ xuất quả vải thiều theo cân, đóng thùng xốp khá đơn giản nên giá bán không cao.

Theo đó, 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Vải thiều hữu cơ cần sự đầu tư và chi phí nhiều hơn cho phân bón, nước tưới và kỹ thuật chăm sóc nên giá cao hơn các loại vải thông thường từ 5-10%. Đặc biệt, đối với loại được lựa chọn để phục vụ thị trường cao cấp, giá sẽ cao hơn nhiều.

Người tiêu dùng trong nước đã bắt đầu ưa chuộng hình thức sang trọng của nông sản Việt. Trong khi đó, tại đất nước nổi tiếng với trồng và tiêu thụ hoa quả sạch như Nhật Bản, việc bỏ ra một khoản tiền khá lớn để phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn và đảm bảo sức khỏe lại là chuyện hết sức bình thường.

Một trang trại ở tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) bán 9.000 Yên cho một hộp đựng 8 quả vải thiều Shintomi (gần 240.000 đồng/quả).

Anh Mori Tetsuya - quản lý vườn - cho biết mùa hè ở Nhật khá ngắn, mùa đông lạnh và dài khiến việc trồng loại vải hảo hạng này trở nên vô cùng khó khăn. Vì vậy, sản lượng vải thiều ở Nhật rất thấp và giá được đẩy lên mức cao.

Ngay cả trên các trang thương mại điện tử lớn của Nhật Bản, thức quả đặc sản Bắc Giang thậm chí chỉ được bán khi còn xanh, đông lạnh hoặc dưới dạng nước ép.


Đình Văn