[Phần 2] Trung Quốc tiêu thụ 90% vải thiều Lục Ngạn: Làm gì tránh rủi ro thương lái ngừng mua?
Giá vải thiều Lục Ngạn tăng gần 6 lần năm ngoái
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, tỉ lệ vải ra hoa đậu quả của vải thiều huyện Lục Ngạn chỉ đạt một nửa so với vụ trước, sản lượng vải giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao.
Hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 giá vải trung bình 12.000 đồng/kg).
Còn theo số liệu từ UBND huyện Lục Ngạn, có thời điểm cao nhất khoảng 70.000 đồng/kg, tức gấp gần 6 lần năm ngoái.
Vải thiều Lục Ngạn được giá. (Ảnh: Đức Quỳnh)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguyên nhân là thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều.
Trao đổi với người viết tại Tuần lễ Vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Nguyễn Văn Bắc (xã Quý Sơn, Lục Ngạn) cho biết năm nay vải thiều "mất mùa, được giá" do năm ngoái giá vải thiều rẻ, nhiều người chặt bỏ để trồng cam, bưởi.
Bên cạnh đó, nhờ năm nay sản lượng vải ít hơn năm ngoái nên hiện tượng thương lái ép giá, trừ lùi cân đã giảm.
UBND huyện Lục Ngạn cho biết, sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm 2019 dự kiến chỉ ở mức trung bình khoảng 80.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chín chính vụ khoảng 67.000 tấn.
Ngoài ra, diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP đạt khoảng 12.000 ha, tương đương gần 80% tổng diện tích vải thiều toàn huyện. Ngoài ra còn có 20 ha trồng vải hữu cơ.
Trung Quốc tiêu thụ 90% vải thiều Lục Ngạn
Chia sẻ với người viết, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã có mặt tại 30 thị trường, trong đó Trung Quốc chiếm tới 90%.
Đặt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch và yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu chính ngạch, huyện Lục Ngạn cũng đã cung cấp tem truy suất nguồn cho vải thiều.
Năm 2019, huyện Lục Ngạn có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua vải thiều được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu vải tươi vào Trung Quốc.
Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bắc Giang, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Trung Quốc cấp thêm chứng nhận đủ điều kiện cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, xuất khẩu trên địa bàn huyện.
Ông Hoàn cho biết năm nay các doanh ngiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Do vậy, phần lớn quả tươi được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc và cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam.
Một lợi thế khác mà ông Hoàn đề cập là vị trí địa lí gần, chỉ cách 100 km đến cửa khẩu Tân Thanh và khoảng 3 tiếng để vận chuyển tới Trung Quốc. Do vậy, so với các thị trường khác như Mỹ, phải vận chuyển bằng đường hàng không thì chi phí rẻ hơn.
PGS. Nguyễn Quốc Hùng, Viên trưởng Viện nghiên cứu rau quả. (Ảnh: Đức Quỳnh)
Chia sẻ với người viết, PGS. Nguyễn Quốc Hùng, Viên trưởng Viện nghiên cứu rau quả, cho biết diện tích vải của Trung Quốc là hơn 540.000 ha với sản lượng 2,3 triệu tấn. Do đó Việt Nam chiếm tỉ trọng rất nhỏ với thị trường này.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết Việt Nam thu hoạch vải sớm hơn Trung Quốc và chất lượng tốt hơn. Vì vậy, vải thiều Việt Nam vẫn tiêu thụ tốt ở thị trường Trung Quốc nếu đáp ứng các yêu cầu ở thị trường này.
Tránh điệp khúc thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng thu mua
Ông Cao Văn Hoàn cho biết, năm nay để tránh điệp khúc thương nhân Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải khiến bà con lâm vào cảnh "khốn đốn", chính quyền huyện Lục Ngạn đã giám sát việc thu mua, vận chuyển và tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng cho các thương nhân.
Năm nay, huyện Lục Ngạn có trên 300 thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải. Thông qua các cuộc đàm phán, Trung Quốc tạo lối đi riêng cho vải Lục Ngạn thông quan, không phải xếp hàng như các sản phẩm khác. Khi nào hết vải thiều mới hết giờ làm việc.
"Hiện vải Lục Ngạn đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có hợp đồng mua bán, do đó tránh được rủi ro thương lái dừng mua hàng", ông Hoàn cho biết thêm.