|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định ở mức cao

21:20 | 10/06/2019
Chia sẻ
Để vụ sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2019 được thuận lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định ở mức cao - Ảnh 1.

Thu hoạch vải. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 9/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là 46.850 tấn, trong đó vải sớm 37.210 tấn (đã tiêu thụ gần hết), vải chính vụ 9.640 tấn.

Giá vải thiều Bắc Giang hiện nay ổn định ở mức cao, từ 35.000-45.000 đồng/kg, giá vải sớm (vải lai Lục Ngạn) từ 40.000-55.000 đồng/kg; cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn (vùng sản xuất vải thiều chính vụ lớn nhất tỉnh và cả nước) có lúc bán được trên 60.000-70.000 đồng/kg.

Vải thiều tươi Bắc Giang được tiêu thụ khắp toàn quốc, trong đó tiêu thụ với số lượng lớn là các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, quả vải Bắc Giang đã được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch và sang một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia...

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có trên 280 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc, với tổng số điểm cân toàn tỉnh là trên 500 điểm cân, tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Lục Ngạn, Lục Nam.

Để vụ sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2019 được thuận lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đủ nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vay vốn, bảo lãnh, giải ngân... trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.

Công ty Điện lực Bắc Giang chuẩn bị các phương án, kế hoạch cung cấp điện cho mùa vụ thu hoạch vải thiều, ưu tiên cung cấp điện cho các huyện có sản lượng tiêu thụ vải thiều lớn.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các huyện triển khai thực hiện các biện pháp phân luồng, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự cho người dân, thương nhân, doanh nghiệp thu mua vải thiều tại địa phương; tạo điều kiện tối đa về các thủ tục hành chính cho thương nhân nước ngoài sang thu mua, tiêu thụ vải thiều.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các huyện tập trung chăm sóc vải thiều, đảm bảo các yêu cầu về sản lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, thông tin trên nhãn mác, bao bì... để đảm bảo yêu cầu đối với thị trường xuất khẩu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ủy ban Nhân dân các huyện Lục Ngạn, Tân Yên tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần phục vụ tiêu thụ vải thiều về an ninh trật tự, an toàn giao thông, nguồn điện, thùng xốp, nguồn vốn, đảm bảo vệ sinh môi trường và các dịch vụ phụ trợ khác...

Vụ vải thiều năm 2019, tỉnh Bắc Giang duy trì trồng trên 28.000ha, với sản lượng ước đạt 150.000 tấn; trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn.

Diện tích vải thiều chính vụ khoảng 22.000ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vụ năm nay của tỉnh Bắc Giang khoảng trên 13.800ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha và có khoảng 20ha vải thiều sản xuất theo mô hình vải hữu cơ, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kể cả vào các thị trường "khó tính" như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, các nước EU... 

Việt Hùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.