|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vaccine Việt kỳ vọng xuất khẩu ra thị trường thế giới

08:22 | 14/10/2018
Chia sẻ
Theo Bộ Y tế, từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu chương trình TCMR, thay thế vaccine nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vaccine và là 1 trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận quản lý vaccine đạt chuẩn quốc tế.

Nhiều dự án sản xuất vaccine phù hợp với khuyến cáo của WHO

Đến thời điểm này, Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vaccine, trong đó, có 8 vaccine được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vaccine và đã sản xuất được nhiều loại vaccine như: vaccine lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn…

Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.

vaccine viet ky vong xuat khau ra thi truong the gioi

Việt Nam cần sớm có nhà máy sản xuất vaccine quy mô công nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và tự sản xuất thêm các loại vaccine nhằm bảo vệ trẻ em. Trong đó, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế được giao thực hiện Dự án “Vaccine nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine cúm mùa”, phòng 3 chủng cúm cơ bản là A/H1N1, A/H3N2 và cúm B trong thời gian từ năm 2015-2019.

Theo đó, kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cho thấy vaccine cúm do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quy định của Việt Nam.

“Dự án được nghiệm thu vào tháng 5/2018 và đang chờ quyết định công nhận của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự kiến, đầu năm 2019 sẽ đưa vaccine ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Bên cạnh đó, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế cũng thực hiện Dự án “Nghiên cứu sảnxuất vaccine phối hợp 5 trong 1 hấp thụ, dạng dung dịch”. Được biết, thời gian tới, Viện dự kiến sẽ tự sản xuất được vaccine 5 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib).

Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đang triển khai Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vaccine viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero” và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.

Được biết, doanh nghiệp đang chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký lưu hành vaccine viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero (JECEVAC) tại Việt Nam.

Vaccine “made in Việt Nam” hướng tới xuất khẩu

Bộ Y tế đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, thay thế vaccine nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu ra thị trường thế giới. “Vaccine dạng 5 trong 1 và 6 trong 1 phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine mới tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc nâng cao công nghệ để tự sản xuất các loại vaccine hỗn hợp là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ- Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, để các Dự án nghiên cứu về vaccine triển khai hiệu quả, các tổ chức chủ trì dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian đã phê duyệt, chuẩn bị hồ sơ đề nghị phê duyệt các dự án cho giai đoạn tới.

“Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở”- ông Nguyễn Ngô Quang nói.

Bộ Y tế cho biết, hiện một bộ phận người dân còn tâm lý sính ngoại, chưa hoàn toàn tin tưởng vào vaccine được sản xuất trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng việc tuyên truyền, thay đổi suy nghĩ của người dân trong việc sử dụng vaccine cũng rất quan trọng.

Xem thêm

Thy Hạt