|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vắc xin dịch tả heo châu Phi made in Viet Nam sẽ được công bố vào cuối quý III

08:11 | 14/06/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết vắc xin dịch tả heo châu Phi "made in Viet Nam" sẽ được công bố vào cuối quý III. Sau 5 đợt nghiên cứu, đánh giá cho thấy vắc xin đạt mức độ bảo hộ cao.

Theo Bộ NN&PTNT, chăn nuôi đang chiếm tỷ trọng 24% giá trị toàn ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng đảm bảo ở mức 5-5,5%/năm. Với sản lượng thực phẩm đạt 5,5 triệu tấn thịt; 14,6 tỷ quả trứng; 1,1 triệu tấn sữa… ngành chăn nuôi đang đáp ứng cơ bản nhu cầu của 100 triệu dân Việt Nam và hướng tới xuất khẩu.

Trao đổi bên lề hội nghị Tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết chăn nuôi nông hộ vẫn giữ vai trò quan trọng, chiếm 50-52% cơ cấu ngành chăn nuôi. Để đi lên nền nông nghiệp quy mô hàng hóa, công nghiệp, ngành nông nghiệp cần tiếp tục duy trì chăn nuôi nông hộ.

Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đảm bảo an toàn sinh học, dễ xảy ra dịch bệnh. Đơn cử như dịch tả heo châu Phi (ASF) giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam đã tiêu hủy 6 triệu con heo, tương đương 10% sản lượng thịt heo cả năm.

"Để giải quyết căn cơ vấn đề này, ngoài cơ chế chính sách thì phải có vắc xin tiêm phòng dịch ASF. Nếu không có gì thay đổi, vắc xin dịch tả heo châu Phi sẽ được công bố vào cuối quý III.

Hiện, vắc xin đang được khảo nghiệm, kiểm nghiệm ở những bước cuối cùng. Sau 5 đợt nghiên cứu, đánh giá cho thấy vắc xin đạt mức độ bảo hộ cao", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Ngoài việc giải quyết an toàn sinh học bằng chế phẩm sinh học, vắc xin, ngành nông nghiệp đã chọn tạo dòng heo có sức đề kháng đối với dịch ASF. Đây là tín hiệu khả quan của ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025.

Vắc xin tả heo châu Phi made in Viet Nam sẽ được công bố vào cuối quý III - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả phòng dịch tả heo châu Phi (Ảnh: Nguoichannuoi)

Ở chiều ngược lại, ngành chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với những khó khăn liên hoàn. Dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất lương thực thực phẩm trên toàn thế giới, hoạt động logistics đình trệ, hạ tầng yếu, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%, áp lực dịch bệnh...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chuỗi sản phẩm thế giới đứt gãy cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi biến nguy thành cơ, tăng trưởng trong năm 2021.

"Chúng ta cần giải quyết đồng bộ cả cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân. Hệ sinh thái sản xuất và xuất khẩu phát triển trong giai đoạn mới với những thời cơ mới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Các chuyên gia nhận định chăn nuôi có vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế, trong đó chăn nuôi hộ vẫn là chủ thể kinh tế quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ thường có mức lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro hơn các loại hình chăn nuôi khác.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT cho biết trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 định hướng tăng quy mô trang trại, song vẫn phải duy trì và phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp hơn. 

Nghĩa là, nông dân sẽ liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể tiếp cận với doanh nghiệp.

"Chăn nuôi nông hộ bị động cả đầu vào và đầu ra. Do đó, cần có tổ chức tập hợp nông dân và định hướng chăn nuôi đồng bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi…

Hợp tác xã sẽ liên kết với doanh nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm tạo ra mang tính đồng nhất, đồng loạt, hạn chế tối đa rủi ro", ông Trọng nói.

Về định hướng lâu dài, để sản phẩm chăn nuôi không chỉ cung ứng trong nước mà còn xuất khẩu, chăn nuôi nông hộ phải thay đổi mình và hòa nhập vào điều kiện, hàng rào kỹ thuật của thế giới… Đó là điều kiện và cơ hội để sản phẩm của nông dân vươn tới thị trường quốc tế.

Hoàng Anh