Ủy thác đầu tư cá nhân: Khoảng hở chế tài
Cá nhân huy động vốn, công ty đóng dấu xác nhận
51 nhà đầu tư đã tố cáo ông Phan Hoàng Nam nhận uỷ thác gần 72 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán phái sinh nhưng phần lớn được sử dụng sai mục đích sang đầu tư forex (ngoại hối) dẫn đến “cháy” tài khoản; khoản đầu tư phái sinh chỉ chiếm gần 18% tổng giá trị uỷ thác và cũng không được báo cáo khi tài khoản lỗ trên 20% (theo thoả thuận).
Trong vụ việc này, toàn bộ những thông tin về uỷ thác, quy định tham gia, tỷ lệ chia lãi/lỗ, thời gian báo cáo, thời gian rút tiền… đều thông qua tin nhắn gửi trên Group chat chung của Phái sinh hội (nhóm do ông Nam lập ra để nhận uỷ thác đầu tư phái sinh).
Giấy tờ có “sức nặng” nhất mà nhóm nhà đầu tư có được là giấy nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của ông Nam và giấy xác nhận nộp tiền mua thêm hợp đồng phái sinh (nhà đầu tư góp thêm vốn ủy thác đầu tư) có đóng dấu đỏ của Công ty TNHH Nobel Global do ông Nam làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.
Hợp đồng có dấu đỏ mà nhà đầu tư nhận được là hợp đồng đào tạo kiến thức về đầu tư chứng khoán, được ký kết giữa bên A là các nhà đầu tư tham gia khoá học và bên B là Công ty Nobel Global, với giá trị 22 triệu đồng/học viên/khoá học. Thời gian khoá học là 2 ngày.
Trong hợp đồng này có nội dung: Hỗ trợ, tư vấn bên A (các học viên) đầu tư đạt lợi nhuận bằng học phí (22 triệu đồng) đã thanh toán dựa trên vốn đầu tư tối thiểu là 100 triệu đồng trong vòng 12 tháng.
Nếu trong quá trình bên A đầu tư theo đúng hướng dẫn của bên B, mà tài khoản học viên bị thua lỗ 20% so với vốn ban đầu, thì tất cả chứng khoán sẽ được bán để tạm ngưng hoặc chấm dứt đầu tư theo thoả thuận tại thời điểm đó.
Bên B có trách nhiệm hoàn lại số tiền 22 triệu đồng học phí mà bên A thanh toán lúc ban đầu, không hoàn lại phần thua lỗ trong quá trình đầu tư.
Nếu chỉ có vậy thì không có gì đáng nói, bởi Công ty do ông Nam thành lập, theo đăng ký kinh doanh thì lĩnh vực ngành nghề hoạt động là tư vấn quản lý.
Cụ thể: hoạt động tư vấn quản lý đầu tư, tư vấn du học (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật) và các ngành nghề theo đăng ký khác là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tour du lịch…
Nhưng điểm cần chú ý là, khi các nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản cá nhân ông Nam, nhưng lại nhận được giấy xác nhận từ Công ty Nobel Global. Vậy tiền này do ông Nam huy động, hay Công ty huy động?
Trao đổi về vấn đề trên, một luật sư cho biết, nếu nhìn góc độ bản chất sự việc, thì ông Nam và Công ty của ông Nam đang tiến hành các hoạt động như một công ty quản lý quỹ.
Hành lang pháp lý cho một tổ chức hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp và quản lý phần vốn uỷ thác cho khách hàng chính là Luật Chứng khoán.
Theo Luật Chứng khoán, hoạt động kinh doanh sinh lời, chuyên nghiệp trong hoạt động uỷ thác là một hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, chỉ cho phép tồn tại dưới hình thức công ty quản lý quỹ.
Theo đó, Công ty Nobel Global có chức năng kinh doanh mang tính thường xuyên dưới hình thức hoạt động của công ty quản lý quỹ, mà không có giấy phép hoạt động từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được xem là vi phạm Luật Chứng khoán.
Ngoài ra, theo thông tin đăng tải từ Công ty Tư vấn luật Dương Gia, để hoạt động trong lĩnh vực nhận ủy thác đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp phải có vốn pháp định ít nhất 10 tỷ đồng. Trong khi đó, theo giấy đăng ký kinh doanh, Nobel Global có vốn điều lệ 2 tỷ đồng.
Như vậy, theo luật sư, hành lang pháp lý cho vấn đề uỷ thác đầu tư là có, nhưng việc hành xử theo Luật, thực thi theo Luật thì không phải ai cũng tuân theo. Hoạt động này cần được giám sát chặt chẽ và có chế tài mạnh hơn để làm trong sạch thị trường.
Nở rộ lời mời uỷ thác đầu tư chứng khoán cho môi giới/cá nhân
Thực tế, trên thị trường có rất nhiều lời mời chào từ các môi giới, nhóm môi giới, nhóm cá nhân tới các nhà đầu tư về dịch vụ uỷ thác đầu tư chứng khoán. Lưu ý, đây là vấn đề dân sự, thoả thuận giữa các các nhân/nhóm cá nhân với nhà đầu tư, chứ không phải từ công ty mà cá nhân đó đang làm việc.
Hợp đồng uỷ thác đầu tư chứng khoán có trường hợp có, có trường hợp không, tuỳ từng khách hàng. Nếu ký hợp đồng là ký kết giữa 2 cá nhân với nhau. Tỷ lệ chia lãi, chịu lỗ cũng rất đa dạng.
Chẳng hạn, trong hợp đồng ủy thác, nhân viên môi giới/người nhận ủy thác đầu tư cam kết, nếu tỷ lệ lãi/vốn dưới 10% thì không chia lãi, chỉ tính phí uỷ thác. Nếu lãi/vốn từ 10 - 20% thì môi giới được hưởng 15% cho phần vượt này; từ 20 - 30% được cộng thêm 20% trên phần vượt ngưỡng mới.
“Lãi được sao thì lỗ chia y vậy, nếu lỗ/vốn dưới 10% thì khách chịu hết, lỗ từ 10 - 20% thì môi giới chịu lỗ 15% trên phần lỗ…”, một môi giới chia sẻ.
Cũng có trường hợp, môi giới/người nhận ủy thác đầu tư chỉ tính phí quản lý, nhà đầu tư “lời ăn, lỗ chịu” - chủ yếu là trường hợp hai bên thân quen nhau; hoặc xác định một mức cố định là 15% trên tổng lãi/lỗ, tức lãi thì hưởng 15%, lỗ thì bù 15%; hoặc cố định mức lãi cho nhà đầu tư theo lãi ngân hàng, nếu lãi trên mức đó thì chia theo tỷ lệ 3 - 7, hay 4 - 6.
Thông thường, thời hạn uỷ thác là 1 năm và trong các hợp đồng uỷ thác không quy định tỷ lệ cắt lỗ, mà môi giới bằng kinh nghiệm của mình tự đề ra và thực hiện. Chẳng hạn, thua 10% là cắt lỗ, rồi cố gắng tìm cơ hội đầu tư mới bù lại cho khách hàng.
Còn rất nhiều lời mời chào ủy thác đầu tư khác, tiếp cận nhà đầu tư thông qua các hình thức như tổ chức khoá học nâng cao kiến thức về đầu tư chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính, phân tích kỹ thuật…
Việc nhận uỷ thác sẽ giúp môi giới có thêm khách hàng mở tài khoản giao dịch, có thêm phí giao dịch, hoa hồng môi giới và phí quản lý uỷ thác đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các công ty chứng khoán biết về hình thức nhận ủy thác đầu tư của nhân viên, nhưng đa phần không cấm.
Bởi lẽ, có những cá nhân/nhóm cá nhân nhận uỷ thác rất tốt, giúp công ty có thêm khách hàng, thậm chí là khách hàng lớn mở tài khoản và giao dịch, cũng như tăng cho vay ký quỹ.
Mặt khác, đây là thoả thuận dân sự nên công ty “nhắm mắt cho qua”, chứ không chính thức cấm các nhân viên thực hiện hoạt động này. Cũng có những công ty chứng khoán không thể kiểm soát chặt chẽ tất cả các nhân viên, cộng tác viên.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán ngoại cho biết, thực tế ít gặp uỷ thác đầu tư giữa cá nhân và công ty chứng khoán, vì xung đột lợi ích.
Thường gặp là nhà đầu tư tìm đến các quỹ, các cá nhân uy tín để uỷ thác, dù chưa có hành lang pháp lý cho cá nhân nhận ủy thác đầu tư. Đây là nhu cầu có thật và là sản phẩm phổ biến ở các thị trường mới nổi và phát triển.
“Ủy thác đầu tư giữa cá nhân với cá nhân rất rủi ro và nó quy về điểm cốt lõi đó là một hình thức của phái sinh, người mời chào ủy thác dùng đòn bẩy cao hoặc rất cao (không bỏ đồng vốn nào).
Tuy nhiên, trong tương lai, đây là sản phẩm tài chính cần thiết, cơ quan quản lý nên tính đến việc xây dựng khung pháp lý cho sản phẩm này”, vị giám đốc môi giới nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, hình thức uỷ thác hiện tại có hai dạng: toàn phần và một phần, rủi ro chủ yếu xảy ra trong trường hợp uỷ thác toàn phần, tức là nhà đầu tư giao hết tiền cho người nhận uỷ thác, chỉ thông qua các thống kê của người uỷ thác gửi để nhận diện tình hình đầu tư và tính lời/lỗ.
Đây là rủi ro rất lớn, vì không có bên nào giám sát.
Uỷ thác một phần là nhà đầu tư giao tài khoản chứng khoán của mình cho người nhận uỷ thác để giao dịch. Hình thức này ít rủi ro hơn, vì chủ tài khoản có thể giám sát tài khoản bất cứ lúc nào.
Nhược điểm là công ty chứng khoán có chính sách hoa hồng cho môi giới/cộng tác viên cao, thì các môi giới sẽ tích cực giao dịch nhằm tăng số phí môi giới được nhận. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì môi giới sử dụng “chiến lược” này.
Các ý kiến đều cho rằng, không khó để rà soát cá nhân/nhóm cá nhân đang thực hiện nhận uỷ thác và cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, giám sát thị trường để cảnh cáo, hạn chế những trường hợp làm nhiễu, làm xấu, thậm chí là lợi dụng, lừa đảo nhà đầu tư.