|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán xin rút kinh nghiệm để khắc phục vi phạm

17:41 | 01/04/2022
Chia sẻ
Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hôm nay 1/4, Đảng ủy Cơ quan UBCKNN cho biết sẽ chấp hành các quyết định từ các cấp có thẩm quyền, nghiêm túc rút kinh nghiệm để cùng nhau khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra.

Đồng thời, Đảng uy cơ quan UBCKNN đang chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn và phát triển bền vững.

 Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: SSC).

Trước đó vào chiều 31/3, UBKTTW thông báo kết luận kỳ họp thứ 13 với nội dung:

Đảng ủy Cơ quan UBCKNN đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc UBCKNN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.  

Theo UBKTTW, các cá nhân sau đây phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao:

1. Ông Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

2. Ông Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

3. Ông Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội;

4. Ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, nguyên Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị;

5. Ông Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

 Tính đến ngày 28/2/2022, Việt Nam có gần 4,7 triệu tài khoản chứng khoán.

 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, số người tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Số tài khoản chứng khoán mở mới có lúc vượt 200.000/tháng, như thể hiện trong biểu đồ trên.

Hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) liên tục gặp phải tình trạng quá tải và nghẽn lệnh, nhiều phiên chỉ giao dịch được buổi sáng, không mua bán được vào buổi chiều.

Tình trạng tắc nghẽn này kéo dài 7 tháng từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2021 đã gây ra nhiều bức xúc cho nhà đầu tư. 

Ngày 10/1/2022, tình trạng nghẽn lệnh bất ngờ lặp lại. Đây cũng là phiên mà ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không báo cáo trước, khiến giá cổ phiếu FLC giảm kịch sàn sau chuỗi phiên tăng nóng.

Ngày 29/3 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.