|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Sản xuất cà phê Colombia phục hồi mạnh nhưng giá trong nước ở mức thấp

07:10 | 02/06/2020
Chia sẻ
Sản lượng cà phê của Colombia trong năm 2018 - 2019 đạt 14,3 triệu bao và dự báo sẽ duy trì mức tương tự trong năm 2019 - 2020. Mặc dù sản xuất tăng mạnh, giá cà phê quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của các nhà sản xuất.

Sản xuất

Trong năm 2019 - 2020, sản lượng cà phê của Colombia dự báo sẽ duy trì ở mức 14,3 triệu bao (cà phê xanh). Sản xuất dự kiến sẽ phục hồi trên 14 triệu bao vì tác động của hiện tượng El Nino giảm, thúc đẩy thời kì nở hoa ở các khu vực sản xuất chính. 

Nhờ sự thành công của chương trình tái canh, Liên đoàn các nhà trồng cà phê Colombia (FEDECAFE) ước tính năng suất trung bình tăng lên 18,2 bao/ha, cao hơn 32% so với thập kỉ trước (13,8 bao/ha). 

Từ khi bắt đầu chương trình này vào năm 2012 đến nay, khoảng 500.000 ha đã được cải tạo, tương ứng với 53% tổng diện tích sản xuất cà phê của Colombia. Năm 2018, 80.000 ha đã được cải tạo, chủ yếu là các giống chống gỉ, mật độ trồng tăng lên 5.200 cây/ha và năng suất tăng lên 18,6 bao/ha. 

Chính phủ Colombia FEDECAFE có kế hoạch tăng số ha được cải tạo lên ít nhất 90.000 mỗi năm để đạt mục tiêu sản xuất 18 triệu bao trong những năm tới. Chi phí cải tạo mỗi ha ước tính 8 - 12 triệu peso Colombia (2,860- 4,285 USD).

USDA: Dự báo ngành cà phê Colombia năm 2020 - Ảnh 1.

Sản lượng cà phê Colombia trong 20 năm qua. Nguồn: FEDECAFE

Quy mô trung bình của các đồn điền là 4,5 ha. FEDECAFE ước tính có 560.000 hộ gia đình trồng cà phê, trong đó có hộ gia đình có diện tích trồng dưới 5 ha chiếm tới 69% sản lượng cà phê ở Colombia. 

Tổng diện tích trồng cà phê tại Colombia là 940.000 ha và có 780.000 ha trồng với giống cà phê cải tiến. FEDECAFE cho biết khoảng 80% diện tích cà phê được trồng bằng các giống chống gỉ so với 35% vào năm 2010 khi điều kiện thời tiết tàn phá sản xuất cà phê. 

Giá cà phê nội địa tại Colombia phụ thuộc vào giá quốc tế trên Sàn New York và tỉ giá hối đoái giữa đồng peso Colombia với đồng USD. Mặc dù tỉ giá hối đoái có lợi cho các nhà xuất khẩu, việc giá quốc tế giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trong nước, thậm chí không đủ chi trả chi phí sản xuất. 

Trong 4 tháng đầu năm 2019, giá cà phê trung bình hàng tháng đạt 701.628 peso/bao 125 kg (214 USD/bao), giảm 17% so với cùng kì hai năm trước. Việc giá trong nước giảm mạnh khiến người trồng nông dân yêu cầu hỗ trợ từ chính phủ. Theo FEDECAFE, khoảng 40% tổng sản lượng cà phê nhận được phí bảo hiểm đáng kể vì là cà phê đặc sản.

Theo Giám đốc của FEDECAFE, nếu giá tiếp tục thấp, nhiều hộ nông dân sẽ cân nhắc việc bỏ trồng cà phê và chuyển sang canh tác các loại trái cây khác như bơ.

Tiêu thụ

Trong năm 2019 - 2020, tiêu thụ trong nước dự báo đạt 1,8 triệu bao, tăng 5,8% so với năm trước. Như các nước sản xuất khác, tiêu thụ cà phê Colombia liên tục tăng với tốc độ nhanh chóng bởi số lượng cửa hàng cà phê và các sản phẩm cà phê mới ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và du khách nước ngoài.

Thương mại

Trong năm 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê dự báo ở mức 13,3 triệu bao, không có thay đổi so với năm trước. 

Xuất khẩu trong năm 2018 - 2019 tăng song song với sự phục hồi sản xuất và sẽ duy trì mức tương tự trong năm 2019 - 2020. Xuất khẩu cà phê hạt chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu, tiếp theo là cà phê hòa tan.

Mỹ là thị trường chính của cà phê Colombia, chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Liên minh châu Âu (25%), Nhật Bản (10%) và Canada (7%).

Theo thường lệ, FEDECAFE sẽ thu mua cà phê từ các thành viên, nhưng trong nỗ lực thúc đẩy giao dịch trực tiếp và tăng thu nhập cho hộ sản xuất qui mô nhỏ, FEDECAFE đã đưa ra sáng kiến cho phép các nhà xuất khẩu đăng kí vận chuyển cà phê với số lượng nhỏ. Điều này dẫn đến một số lượng lớn các nhà xuất khẩu tư nhân.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, Colombia đã nhập khẩu cà phê từ một số nước như Peru, Ecuador và Brazil. 

Trong năm 2018 - 2019, nhập khẩu ước tính giảm xuống 425.000 bao vì lượng hàng tồn kho lớn và sản lượng tăng. Nhập khẩu năm 2019 - 2020 dự báo sẽ tăng lên 480.000 bao để đáp ứng nhu cầu nội địa khi hàng tồn kho giảm và xuất khẩu phục hồi.

Dự trữ

Chính phủ Colombia không tiến hành các chính sách hỗ trợ các kho cà phê qui mô lớn. Trong năm 2018 - 2019, dự trữ cà phê ước tính khoảng 1,1 triệu bao do nhập khẩu mạnh và giá thấp khiến người dân không muốn bán. 

Trong năm 2019 - 2020, dự trữ đầu năm và cuối năm dự báo sẽ lần lượt giảm xuống còn 841.000 bao và 521.000 bao do xuất khẩu phục hồi và nhu cầu trong nước tăng.

Chính sách

Năm 2019, chính phủ Colombia đã phân bổ 155,5 tỉ peso (khoảng 50 triệu USD) cho người nông dân để đảm bảo thu nhập của họ qua các khoản thanh toán trực tiếp. 

Chính phủ sẽ trợ cấp giá mua trong nước tới 30.000 peso/bao (9,5 USD/bao) nếu giá giảm xuống dưới 715.000 peso/bao. Giá trung bình vào tháng 4/2019 là 680.567 peso/bao.

Các hỗ trợ bổ sung sẽ được chuyển đến nông dân trồng cà phê thông qua các biện pháp tài chính như tái cấp vốn hoặc chi trả một phần khoản nợ. 

Quĩ tài chính cho ngành nông nghiệp (FINAGRO) cũng sẽ cung cấp các khoản vay với các điều khoản hoàn vốn chiết khấu và hạng mục cho vay đặc biệt sẽ hỗ trợ vốn cho người dân tái canh tác lại đồn điền cà phê.


Linh Giang

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.