USDA: Sản lượng và tiêu thụ gạo toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2021-2022
Trong báo cáo tháng 5/2021, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 đạt mức kỷ lục 505,4 triệu tấn (gạo xay xát), tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Trong đó, Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Paraguay, Đài Loan và Thái Lan sẽ chiếm phần lớn sự gia tăng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022.
Ngược lại, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Philippines, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam dự báo sẽ đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ 2021-2022. Trong đó, Ấn Độ và Mỹ dự kiến sẽ có sự sụt giảm sản lượng lớn nhất, giảm lần lượt là 1 triệu tấn và 0,8 triệu tấn.
Về sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2020-2021, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu xuống 503,5 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo vào tháng 4/2021 nhưng vẫn cao hơn 1% so với niên vụ 2019-2020.
So với dự báo trước đó, USDA hạ triển vọng sản lượng đối với Angola, Bangladesh, Campuchia, Bờ Biển Ngà, Guinea, Lào, Mali, Mozambique, Paraguay, Senegal, Tanzania và Uganda. Đồng thời, trong tháng này, USDA đã nâng dự báo sản lượng niên vụ 2020-2021 đối với Argentina, Benin, Brazil, Nigeria, Pakistan và Sierra Leonne.
Trên cơ sở hàng năm, Australia, Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Mỹ chiếm phần lớn mức tăng sản lượng toàn cầu dự kiến trong niên vụ 2020-2021.
Tiêu thụ gạo toàn cầu tăng 7,9 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022
Nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 cũng được dự báo sẽ tăng 7,9 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021, đạt mức kỷ lục 513,3 triệu tấn.
Trung Quốc chiếm phần lớn về sự gia tăng trong tiêu dùng toàn cầu trong niên vụ 2021-2022, với tổng mức tiêu thụ dự kiến tăng 5,8 triệu tấn so với niên vụ trước đó lên mức kỷ lục 156,0 triệu tấn. Nhu cầu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm gần như toàn bộ sự gia tăng dự kiến của Trung Quốc.
Nhu cầu tiêu thụ gạo tại Bangladesh, Myanmar, Ethiopia, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan cũng dự kiến sẽ tăng trong niên vụ 2021-2022. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dự kiến sẽ giảm tại Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Sự sụt giảm ở Hàn Quốc và Nhật Bản là kết quả của việc đa dạng hóa chế độ ăn uống trong thời gian dài và dân số tăng không đáng kể hoặc dân số tăng chậm.
Tồn kho toàn cầu giảm năm thứ 2 liên tiếp
Với mức tiêu thụ tăng nhiều hơn sản xuất, tồn kho gạo cuối kỳ trong niên vụ 2021-2022 được dự báo giảm hơn 4 % (tương ứng giảm 7,9 triệu tấn) so với niên vụ trước, xuống còn 168,0 triệu tấn - đánh dấu sự sụt giảm trong năm thứ 2 liên tiếp.
Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn trong sự sụt giảm tồn kho gạo toàn cầu vào niên vụ 2021-2022, với lượng gạo tồn kho của Trung Quốc dự kiến giảm 6,7 triệu tấn (6%) xuống 108,7 triệu tấn và của Ấn Độ giảm 2,0 triệu tấn (7%) xuống 26,4 triệu.
Trung Quốc chiếm gần 65% tồn kho gạo toàn cầu sẽ tiếp tục đấu giá gạo vụ cũ và chuyển hướng một phần để sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Tồn kho gạo trong niên vụ 2021-2022 cũng được dự báo sẽ giảm ở Bangladesh, Ai Cập, Philippines, Mỹ và Việt Nam. Ngược lại, tồn kho cuối kỳ được dự báo tăng tại Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Pakistan và Thái Lan.
Tồn kho gạo toàn cầu qua các niên vụ (ĐVT: tấn)
Nguồn: USDA
Thương mại gạo không nhiều biến động
USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 46,4 triệu tấn (xay xát), tăng nhẹ 0,1 triệu tấn so với năm 2021, nhưng thấp hơn so với mức kỷ lục 48,4 triệu tấn trong năm 2017.
Năm 2022, xuất khẩu gạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng đối với Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Uruguay, với xuất khẩu của Thái Lan được dự báo sẽ tăng mạnh nhất, tăng 0,5 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn.
Ngược lại, xuất khẩu năm 2022 tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam được dự báo sẽ giảm, với xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến giảm 0,8 triệu tấn xuống 15,0 triệu tấn, nhưng đây vẫn là mức cao thứ hai sau mức mức kỷ lục 15,8 triệu tấn ghi nhận được trong năm 2021.
Đối với Việt Nam, sau 2 năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu (đạt 6,2 triệu tấn năm 2020 và 6,4 triệu tấn năm 2021), USDA dự báo Việt Nam sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn.
Nguồn: USDA
Về nhập khẩu, Ethiopia, Iran, Iraq, Madagascar, Nigeria và Philippines sẽ chiếm hầu hết sự gia tăng dự kiến trong nhập khẩu gạo toàn cầu năm 2022. Mức tăng từ các thị trường trên sẽ bù đắp cho sự sụt giảm của Australia, Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-út, Nam Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, với nhập khẩu của Bangladesh dự kiến giảm 0,8 triệu tấn xuống còn 0,5 triệu tấn trong năm 2022 do sản xuất hồi phục.
Nguồn: USDA
Giá gạo Ấn Độ vẫn rất cạnh tranh tại châu Á
Giá giao dịch đối với hầu hết các loại gạo trắng xay xát của Thái Lan gần như không đổi so với đầu tháng 4/2021, mặc dù giá đã giảm vào cuối tháng.
Những yếu tố tác động đến giá gạo Thái Lan là thu hoạch vụ mùa ảnh hưởng bởi thới tiết khô hạn trong tháng 4 và tăng vào đầu tháng 5, ngoài ra đồng nội tệ Thái Lan cũng mạnh lên. Theo đó, gạo xay xát 100% loại B của Thái Lan xuất khẩu được niêm yết ở mức 490 USD/tấn cho tuần kết thúc vào ngày 10 tháng 5, không đổi so với tuần kết thúc vào ngày 5 tháng 4.
Giá gạo đặc sản 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 481 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, tăng 8 USD/tấn so với tuần kết thúc vào ngày 5 tháng 4. Giá gạo jasmine - một loại thơm cao cấp của Thái Lan được báo giá ở mức 715 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 10 tháng 5, giảm 59 USD/tấn so với tuần kết thúc vào ngày 5 tháng 4 và thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2017.
Báo giá gạo của Việt Nam cũng không thay đổi so với một tháng trước đó, sau khi giảm vào giữa và cuối tháng 4 do vụ Xuân bước vào cuối vụ thu hoạch. Vụ Xuân là vụ lớn nhất trong số 3 vụ lúa hàng năm của Việt Nam, với phần lớn được xuất khẩu.
Trong tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 5 năm 2021, giá gạo xay xát hạt dài 5% tấm của Việt Nam được báo giá ở mức 495 USD/tấn, không thay đổi so với tuần kết thúc vào ngày 6 tháng 4. Gạo của Việt Nam hiện được bán với giá cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ vẫn cạnh tranh nhất tại Châu Á, với gạo trắng 5% tấm được báo giá ở mức 395 USD/tấn cho tuần kết thúc vào ngày 11 tháng 5, giảm 15 USD/tấn so với tuần kết thúc vào ngày 6 tháng 4.
Báo giá từ Uruguay, Argentina và Paraguay đối với gạo xay xát hạt dài 5% tấm không thay đổi so với một tháng trước đó. Giá gạo của Mỹ tương đương với các lô hàng có chất lượng tương tự từ Uruguay — hiện được báo giá 620 USD/tấn, trong khi gạo Argentina được báo giá ở mức 600 USD/tấn.
Báo giá xuất khẩu gạo hạt dài (FOB) hàng tuần trong 12 tháng qua (USD/tấn)
Nguồn: USDA