|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho phép bệnh nhân tiếp cận 22.000 bác sĩ

17:30 | 25/03/2019
Chia sẻ
Ra đời năm 2016, hiện nay Halodoc có hơn 22.000 bác sĩ có giấy phép hành nghề và đang trên hành trình trở thành ứng dụng chăm sóc sức khỏe hàng đầu ở xứ Vạn Đảo.

Với phần lớn người dân trên thế giới, khám bệnh là việc rất đơn giản. Nhưng ở một quốc gia đang phát triển, thiếu bác sĩ và hay tắc đường như Indonesia, gặp bác sĩ là một hoạt động khá phiền phức. Đó là cơ hội vàng cho những ứng dụng kết nối bệnh nhân với bác sĩ. Halodoc là một trong những ứng dụng như thế.

Halodoc cho phép người sử dụng kết nối với những bác sĩ, tiệm thuốc, dịch vụ y tế có giấy phép hành nghề. Dịch vụ giao hàng ApotikAntar liên kết với Halodoc để đưa thuốc từ các tiệm thuốc tới tận nhà khách hàng. ApotikAntar đã tích hợp với dịch vụ giao thuốc Go-MED của tập đoàn Go-Jek.

Người sử dụng có thể giao tiếp với chuyên gia y tế qua chat, video và cuộc gọi thoại trên ứng dụng.

Felicia Kawilarang, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của Halodoc, nói với Digital News Asia rằng Jonathan Sudharta, giám đốc điều hành công ty, quyết định khởi nghiệp sau khi thấy khoảng cách lớn giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và năng lực đáp ứng của các cơ sở y tế tại Indonesia.

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho phép bệnh nhân tiếp cận 22.000 bác sĩ - Ảnh 1.

Một khách hàng nói chuyện với bác sĩ qua ứng dụng Halodoc ở Indonesia. Ảnh: Bangkok Post

"Khoảng cách ấy bao gồm sự bất tiện trong hoạt động khám bệnh và chữa bệnh, tình trạng thiếu thông tin liên quan tới chăm sóc sức khỏe. Halodoc ra đời với mục tiêu đơn giản hóa sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe", Felicia nói.

Ra đời năm 2016, hiện nay Halodoc có hơn 22.000 bác sĩ có giấy phép hành nghề. 150-200 người trong số họ tương tác với bệnh nhân hàng ngày. Halodoc cũng liên kết với khoảng 1.200 tiệm thuốc tại 25 thành phố ở Indonesia.

Felicia khẳng định các bác sĩ hợp tác với Halodoc đều đáp ứng đầy đủ điều kiện để hành nghề, với thời gian kinh nghiệm tối thiểu 3 năm. Phần lớn họ đang làm việc trong các bệnh viện.

"Nhóm bác sĩ của chúng tôi sẽ phỏng vấn và thẩm định chuyên môn của họ. Sau đó, chúng tôi đào tạo để họ biết cách tương tác với bệnh nhân trong môi trường ảo", cô diễn giải.

Website và ứng dụng của Halodoc đều cho phép người dùng chọn bác sĩ với mức phí từ 25.000 rupiah (1,7 USD) cho 10-15 phút tư vấn. Người dùng có thể đọc thông tin về bác sĩ và xem điểm đánh giá của họ trên ứng dụng và website.

Khách hàng cũng có thể mua thuốc (theo đơn hoặc không theo đơn) từ những tiệm thuốc gần nhất và nhận thuốc từ những đối tác tài xế của Go-Jek trong vòng 40 phút.

"Số lượng đơn hàng dược phẩm trên ứng dụng đã tăng 5 lần trong vòng một năm, còn số lượt tải ứng dụng đã đạt 1,5 triệu. Những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng bao gồm chiến lược tiếp thị sáng tạo và hiệu quả dịch vụ", Felicia tiết lộ.

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho phép bệnh nhân tiếp cận 22.000 bác sĩ - Ảnh 2.

Jonathan Sudharta, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Halodoc. Ảnh: Digital News Asia

Phần lớn người dùng Halodoc có độ tuổi từ 23 tới 35. Công ty tạo ra doanh thu từ phí tư vấn sức khỏe do bác sĩ ấn định.

Felicia nhận định thị trường công nghệ y tế ở Indonesia vẫn còn rất tiềm năng do nhu cầu chăm sóc sức khỏe rất lớn.

"Chúng tôi thấy ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân Indonesia vẫn ở mức thấp. Người dân ở đây chỉ gặp bác sĩ khi họ ốm hay mắc bệnh. Halodoc khuyến khích họ chăm sóc sức khỏe chủ động và hiệu quả hơn thông qua các sự kiện offline và tương tác trực tuyến. Công ty cũng cung cấp những bài báo về chăm sóc sức khỏe và lối sống trên ứng dụng", Felicia bình luận.

Nữ phó chủ tịch của Halodoc khẳng định ứng dụng này không cạnh tranh với các bệnh viện, và cho rằng người sử dụng sẽ tới bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn nếu họ cảm thấy bất ổn.

Halodoc đã hợp tác với hàng loạt tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia như Allianz, FWD Employee, Medicillin và Cigna để người dùng có thể thanh toán các hóa đơn chữa bệnh. Công ty cũng đặt mục tiêu mở rộng sang những thành phố khác ở Indonesia bằng cách triển khai những chiến dịch tiếp thị lớn. 

Start-up công nghệ y tế Việt khó tiếp cận khách hàngStart-up công nghệ y tế Việt khó tiếp cận khách hàng Startup về y tế điện tử của Việt Nam đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp ASEANStartup về y tế điện tử của Việt Nam đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp ASEAN Bộ Y tế thông tin về thuốc Trung Quốc làm từ thịt ngườiBộ Y tế thông tin về thuốc Trung Quốc làm từ thịt người

Nhạc Dương