UNCTAD: Chính sách tiền tệ tại các nước phát triển đang đẩy thế giới vào suy thoái
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 4/10 cho biết, những động thái chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái và tình trạng trì trệ kéo dài, gây thiệt hại nặng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc do đại dịch COVID-19.
Một báo cáo của UNCTAD có tựa đề “Báo cáo Thương mại và Phát triển 2022” cho rằng, việc tăng lãi suất nhanh và thắt chặt tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến, kết hợp với các cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na), đã biến kịch bản hạ cánh mềm như mong muốn không dễ xảy ra.
Tại thời điểm tiền lương thực tế giảm, bất ổn tài chính và sự phối hợp đa phương không đủ, việc thắt chặt tiền tệ quá mức có thể dẫn đến một thời kỳ đình trệ và bất ổn kinh tế.
UNCTAD kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2022 và 2,2% vào năm 2023. Báo cáo cho biết tình trạng giảm tốc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước đang phát triển, nơi tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3%,.
Tổng Thư ký UNCTAD, Rebeca Grynspan, cho biết: “Vẫn còn thời gian để tránh khỏi bờ vực suy thoái. Chúng tôi có các công cụ để xoa dịu lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ bị tổn thương. Nhưng hành động hiện tại đang làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái".