|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ 'săn' đất

21:36 | 22/04/2019
Chia sẻ
Đầu tháng 4, một người bạn nhắn tin cho tôi "mua đất Cần Giờ đi em. Nghe lời chị, thiệt. Có chỗ bán ngay mặt tiền mà giá có 1,2 triệu đồng/m2. Sổ sẵn rồi, mỗi miếng 1.200 m2".

Ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ săn đất - Ảnh 1.

Đất Cần Giờ đang 'sốt' sau thông tin xây cầu qua đây M.K

"Đất gì chị ?" "Đất nuôi trồng thủy sản. Nhưng đường trước nhà còn mở rộng và phía sau có sông nên cho chuyển đổi lên thổ cư. Đẹp lắm".

Cần Giờ hết đất rồi

3 ngày sau đó, chúng tôi cùng nhau xuống Cần Giờ xem đất. Hẹn 9 giờ sáng ở bên kia phà Bình Khánh nhưng đến gần 11 giờ cả đoàn mới khởi hành bởi đi cùng cò V., còn có thêm 2 xe ô tô với tổng cộng gần chục người. Cần Giờ những ngày này nắng như đổ lửa, cả con đường dẫn vào xã Lý Nhơn vắng tanh, thỉnh thoảng có chiếc xe máy chạy ngược chiều phóng như bay, chẳng buồn né những chiếc ô tô vừa đi vừa mở kính chỉ trỏ. Có vẻ họ đã quen với hình ảnh người người đi mua đất kiểu này. Khu đất chúng tôi được giới thiệu nằm trên đường Dương Văn Hạnh (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), phía sau tiếp giáp sông "sau này làm bờ kè sẽ lấn vào khoảng 10 - 15 m, nhưng đất ở đây dài hơn 100 m nên trừ lộ giới, trừ hành lang an toàn sông rồi vẫn đẹp" - cò V. quảng cáo. Khu đất rộng, đã được san lấp đất và chia khoảng 1.200 m2/lô.

"Tổng cộng có 11 lô, đã bán 6 lô, còn 5 lô nhưng đang sợ người ta lật kèo trả cọc vì lúc đi trên đường xuống đây gọi điện cho chị chủ đất, giọng chị ấy có vẻ khác khác. Nên mọi người phải quyết nhanh" - cò V. hối. Theo một người đi cùng cò V. thì 20 năm trước, bà chủ đất ôm 10 tỉ xuống Cần Giờ đầu tư và bây giờ "ngồi trên đống vàng". Nhìn "địa thế" khu đất, phía trước đường, phía sau giáp sông, gió thổi lồng lộng trong cái nắng gần 40 độ C, cả đoàn ai cũng gật gù. Lại thêm lời giới thiệu của cò V về việc Cần Giờ là khu sinh quyển, sẽ được bảo vệ để không phát triển công nghiệp; rồi các "đại gia" bất động sản đều có dự án lớn ở đây; rồi cầu Bình Khánh sắp xây... mọi cái cứ hối hả, dồn dập khiến tất cả  đều có chung cảm giác nếu không mua ngay sẽ lỡ cơ hội.

Điểm trừ của khu đất này là bề ngang quá nhỏ, chỉ 10 m nên một số người còn chần chừ. Để thuyết phục, cò V. nói sẽ dẫn chúng tôi đi tới trung tâm xã Lý Nhơn "cách đây chỉ 1 đoạn". Cả đoàn lại lục đục theo xe cò V. Con đường Dương Văn Hạnh giữa trưa nắng chang chang không một bóng người, khác hẳn với các cơn sốt, nóng mà chúng tôi được giới thiệu. Đến trung tâm xã, chúng tôi chia tay trong lời hối thúc "Cần Giờ hết đất rồi, thiên hạ ai cũng ôm không ai chịu bán, giá này là hiếm lắm. Chốt nhanh đi, chậm là không còn đâu" của cò V. Xe chưa qua khỏi địa phận xã Lý Nhơn, máy điện thoại của tôi rung lên, là tin nhắn của cò V báo, đã có người "book" 4 lô, chỉ còn 2 lô. Ý hối chúng tôi "book" gấp.

Cứ nói đến cầu, đường là giá tăng

12 giờ 30 trưa, chúng tôi ghé quán Lý Nhơn, quán duy nhất chúng tôi nhìn thấy trên đường về. Quán có khoảng 5 chiếc chòi lợp lá trên mặt hồ vuông vắn, gió thổi lồng lộng. Trong quán chỉ có 3 người, ông chủ quán và 2 người phụ nữ vừa nấu, vừa phục vụ. Khách cũng lèo tèo 3 chòi, đều là người đi xem đất. Xe hơi họ dựng phía trước bám đầy bụi đất, đỏ ngầu. Hải sản ngon, chòi mát rượi gió từ sông, biển thổi vào. Chị B.N trong nhóm tôi hỏi với sang "có bán chỗ này không ông chủ ơi". "Vô giá nên không biết bán thế nào, cho ở nhờ thì được" - ông chủ hóm hỉnh đáp lời. Hỏi ra mới biết, ông chủ quán nhà ở quận 2, mua khu đất này 2 năm trước giá có 500 triệu đồng/công (1.000 m2), giờ thì giá đã tăng gấp mấy lần.

Khi biết chúng tôi đi mua đất anh chủ quán khuyên không nên mua đất ở đường Dương Văn Hạnh vì "không nối với các tuyến đường thông tới các khu trung tâm". Nhân đó anh giới thiệu lô đất rộng gần 7 ha "nằm trên đường quân đội" đang mở thuộc xã An Thới Đông với giá 750 triệu đồng/công. Trên sổ đỏ ghi đây là "đất trồng lúa nước còn lại". Theo lời anh chủ quán thì khu đất này rất tiềm năng vì gần cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Vàm Sát 2, có "đường quân đội" chạy ngang, sau lưng là biển... "Các chị mua thì tôi cho người đưa tới xem, đường đang làm không đi xe hơi được, chỉ đi xe máy vào thôi" - anh chủ quán nhiệt tình.

"Đúng rồi, em rể chị mua đất ở xã này, nghe nói có đường quân đội đi qua nên giá tăng vọt"- chị H chêm vào hào hứng. Thế là cả đoàn lại kéo nhau theo em họ anh chủ quán dẫn vào khu đất "có đường quân đội sắp chạy qua". Do đường đang làm xe hơi không vào được nên chỉ đứng xa xa nhìn vô. "Chỗ này mua mà để khoảng 1 năm thì lời gấp đôi, gấp 3 vì ở ngay trước biển, gần đường gần cầu"- cô em chủ quán giới thiệu. Cô gái là người gốc Cần Giờ, đã có thời gian lên làm ở Sài Gòn nhưng 5 năm nay về lại Cần Giờ giúp anh họ kinh doanh nhà hàng kiêm môi giới đất. Trong cơn "say đất", chẳng ai hỏi "đường quân đội" là đường gì? Vì sao có tên gọi "đặc thù" như vậy? Bao giờ con đường này làm xong... Bởi từ trước tới nay, cứ nghe cầu, đường chạy qua là giá đất "tất, lẽ, dĩ, ngẫu" tăng. Chẳng nói đâu xa, như cầu Cần Giờ, cả thập kỉ qua cây cầu này đã bao lần "sắp" làm nhưng rồi đến nay vẫn chỉ là dự án. Bất chấp, cứ mỗi lần có thông tin về cầu, giới cò lại thêm cơ hội thổi giá.

Ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ săn đất - Ảnh 2.

Vị trí lô đất gần 7 công ở An Thới Đông được giới thiệu có "đường quân đội" chạy qua

Ai cũng lời, vậy ai lỗ?

Một sáng trung tuần tháng 4 tại CLB 30.4 trên đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1, TP.HCM) nhóm chị Hà Minh đang bàn tán xôn xao về đất Cần Giờ. Chị Bích, một người trong nhóm xách giỏ đứng dậy "Em xuống Cần Giờ đây" "Không đi làm hả, giờ này xuống làm gì?" "Ôi em mê lắm, vợ chồng em cứ xuống lượn lờ khắp nơi, chỗ nào thấy được là mua à". Chị Bích kể, cách đây vài tháng chị theo bạn bè xuống Cần Giờ xem đất và "mê luôn". Kiên quyết không qua cò, vợ chồng chị lùng sục khắp nơi, cuối cùng mua được vài công đất trồng cây lâu năm "nay tăng gấp đôi, gấp 3 rồi". Giờ thì tuần nào 2 vợ chồng chị Bích cũng xuống Cần Giờ săn đất và ăn hải sản. "Hải sản Cần Giờ là số 1, ngon và rẻ nữa" - chị giới thiệu.

Anh Lập (Q.7, TP.HCM) đang sở hữu khoảng 40 công đất ở dưới Cần Giờ cho biết, tháng trước có người trả anh 1 tỉ đồng/công nhưng anh không bán dù giá mua 5-6 năm trước chỉ 100 triệu đồng/công. "Hồi mới mua tôi cũng nuôi tôm nhưng thua lỗ nên giờ cho người ta thuê nuôi thủy sản 200 triệu đồng/tháng. Thực ra 40 công đó không phải của riêng tôi mà của cả nhóm. Thấy giá đất sốt liên tục, có người dao động muốn bán nhưng tôi không đồng ý. Đến giờ, việc lên 5 tỉ đồng/công là trong tầm tay nếu dự án cầu Bình Khánh khởi công" - anh Lập nói chắc như bắp.

Câu chuyện đang rôm rả, chị Hà Minh hớt hải hỏi trỏng : "Có thông tin gì mà đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng nhỉ. Thằng em chị sáng nay đi nhận cọc bán miếng đất Nhơn Trạch giờ gọi điện nói hủy rồi, đang tìm mua thêm". "À, hôm qua lãnh đạo TP.HCM và Đồng Nai họp đẩy nhanh tiến độ cầu Cát Lái, chắc thông tin đó đấy" - một người trong nhóm trả lời. "Thôi đúng rồi, thế này thì đất Nhơn Trạch lại tha hồ tăng. Mình mua miếng đất bán mãi không được nên cho thuê làm nhà yến mấy năm nay, phen này trúng rồi" - chị Hà Minh cao hứng ra mặt. "Lãnh đạo chưa dời cuộc họp, giá đất đã tăng. Các chị cứ ngồi đây so đo tính toán mãi. Thôi chốt lô đất ở Cần Giờ đi không lại hớt váng bây giờ" - một người sốt ruột. "Đúng rồi, chốt đi. Mua đất là mua liền tay. Chớ để qua ngày có đứa hớt tay trên". "Vậy hẹn đi luôn nhỉ" "Đi luôn chứ còn gì, tính tiền em ơi" - một người trong nhóm dõng dạc và cả nhóm lục đục đứng lên.

"Ai cũng lời thì ai lỗ nhỉ?" - chị Hà Nguyên lẩm bẩm. Câu hỏi không có ai đáp, cả nhóm đang xôn xao và người hỏi cũng không có nhu cầu cần được trả lời. "Nghe là biết dân tay ngang rồi"- một người trong nhóm trêu. Quả thực, chị Hà Nguyên mới tham gia mua đất lần đầu với nhóm này dù họ chơi với nhau đã lâu. Nhưng cũng như tất cả những người trong nhóm, đâu có ai là dân chuyên nghiệp? Họ là dân văn phòng, kỹ sư IT, kinh doanh nhỏ... Người này giới thiệu người kia, người kia lôi kéo người khác, một số người từ mua đất đã chuyển sang làm "cò" đất chuyên nghiệp. Cứ qua mỗi tay, giá đất đẩy lên một chút, nóng bỏng rồi sốt sình sịch.

Tất cả ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ săn đất.

(Còn tiếp)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Mai Ka

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.