Úc siết chặt chính sách nhập cư và lao động
Nhan Do, 41 tuổi, một người Việt đã định cư ở Úc hơn 25 năm, tỏ ra bất bình khi nghe tin Chính phủ Úc đặt thêm nhiều điều kiện khó khăn cho người muốn trở thành công dân nước này: “Tôi tự hỏi, tại sao họ làm cho khó khăn hơn, bây giờ đã quá khó rồi”. Vợ ông Do, bà Lan, đang là thường trú nhân (permanent resident) ở Úc nhưng kỹ năng tiếng Anh yếu nên chắc khó bề đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành công dân Úc.
Nhập tịch Úc khó khăn hơn
Hôm thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Malcolm Turnbull đưa ra những yêu cầu mới, cứng rắn hơn, cho những người muốn nhập tịch trở thành công dân Úc, bao gồm tiêu chuẩn cao hơn về độ thông thạo tiếng Anh, bài kiểm tra về “giá trị Úc” khó hơn và thời gian xem xét kéo dài tới bốn năm thay vì chỉ một năm hiện nay.
Hiện thời Úc đã đòi hỏi thường trú nhân muốn nhập tịch phải có trình độ tiếng Anh căn bản và phải được kiểm tra lý lịch tư pháp; người xin thị thực (visa) làm việc có thời hạn và du học sinh nước ngoài phải ký vào một “tuyên bố giá trị”, trong đó có những nguyên tắc như “Quốc tịch Úc là một bản sắc được chia sẻ, một mối ràng buộc chung đoàn kết tất cả người Úc mà vẫn tôn trọng tính đa dạng của họ”.
Bài kiểm tra “giá trị Úc” tăng cường, theo đề xuất của Thủ tướng Turnbull, có thể sẽ chỉ thực hiện bằng tiếng Anh và bao gồm nhiều câu hỏi về quyền tự do ngôn luận cũng như các khái niệm dân chủ khác, theo báo The New York Times.
Tưởng cần lưu ý rằng, Úc là một trường hợp nổi bật về hội nhập thành công số lượng lớn người di cư; hiện 27% tổng số dân Úc là người được sinh ra ở nước ngoài, cao gấp đôi tỷ lệ ở Anh và Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Ben Saul, Trưởng khoa luật quốc tế trường Luật Sydney, “Có rất ít bằng chứng cho thấy quy trình xét duyệt nhập tịch Úc hiện hành bị lợi dụng”, ông nói và cho rằng, ông không thấy Úc có nhu cầu phải thay đổi chính sách nhập cư.
Đề nghị thay đổi tiêu chuẩn để xem xét cấp quốc tịch là thách thức mới nhất cho hình ảnh đa văn hóa của Úc sau khi chính phủ nước này vừa thay đổi chính sách cấp visa cho lao động có tay nghề nước ngoài đến làm việc tại Úc.
Sang Úc làm việc cũng khó hơn
Vào đầu tuần trước, ông M. Turnbull cũng thông báo sẽ bãi bỏ chương trình cấp visa cho lao động nước ngoài đến Úc làm việc được áp dụng lâu nay, gọi là visa 457, thay bằng hai loại visa tạm thời khác, có yêu cầu cao hơn về trình độ tay nghề và kỹ năng tiếng Anh. Hai loại visa làm việc mới, có thời hạn hai năm và bốn năm, trong đó visa thời hạn bốn năm chỉ dành cho những người có trình độ cao và thông thạo tiếng Anh; đồng thời danh sách 650 ngành nghề được tuyển lao động nước ngoài cũng bị cắt giảm chỉ còn 435 ngành nghề. Ông Turnbull cho rằng, những quy định mới này sẽ thu hút lao động có tay nghề cao hơn và khuyến khích việc thuê mướn người Úc. “Chúng tôi đặt việc làm lên hàng đầu và chúng tôi ưu tiên cho người Úc”, ông Turnbull nói.
Yêu cầu cao hơn đối với người muốn nhập tịch cùng với việc siết chặt điều kiện cấp visa lao động cho người nước ngoài đã đưa nước Úc lên hàng ngũ “tiên phong” của phong trào toàn cầu chống người nhập cư, biến quốc tịch Úc từ chỗ một sự công nhận về hội nhập của người nước ngoài thành một thứ phần thưởng cho việc bị đồng hóa, hay nói theo lời của Thủ tướng M. Turnbull là một “giải thưởng lớn”.
Quyết định của Chính phủ Úc được cho là “phản ánh” một đường lối tương tự của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hôm thứ Ba 18-4 giới hạn việc cấp visa cho lao động nước ngoài có tay nghề cao đến Mỹ làm việc, gọi là visa H1-B. Hiện nước Mỹ cấp khoảng 85.000 visa H1-B mỗi năm cho những người có trình độ cao về công nghệ đến Mỹ làm việc, phần lớn là người dân các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ bãi bỏ chương trình visa H1-B mà ông cho rằng bị các doanh nghiệp lợi dụng để sa thải người lao động Mỹ và thay bằng lao động nước ngoài có chi phí rẻ hơn.
Giáo sư Joanna Howe, khoa luật Đại học Adelaide, nhận định, lý lẽ của Úc “tương đồng” với lập luận của ông Donald Trump ở Mỹ và phong trào Brexit của Anh là bảo đảm ưu tiên về việc làm cho người lao động bản xứ.
Tuy nhiên, giống như ở Mỹ, quyết định siết chặt chính sách “nhập khẩu” lao động của Chính phủ Úc cũng gặp phải sự phản ứng của các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. “Mọi kế hoạch cắt giảm khả năng của các doanh nghiệp công nghệ trong việc tuyển dụng chuyên viên nước ngoài trước khi người Úc được huấn luyện đầy đủ cũng đều gây hại cho ngành công nghiệp và tương lai việc làm ở nước này”, ông Dean McEvoy, Giám đốc điều hành TechSydney - tổ chức của các doanh nghiệp công nghệ ở Sydney, lo lắng.
Động cơ chính trị
Cũng như Chính phủ Úc, các chính trị gia dân túy ở châu Âu và Mỹ đều đưa ra các lý lẽ chống lao động nước ngoài, chống người nhập cư - đặc biệt là người Hồi giáo - để huy động sự ủng hộ của cử tri là lao động bản xứ đang có tâm lý e ngại người Hồi giáo hoặc tin rằng lao động nước ngoài giành mất việc làm của họ hoặc di dân tạo ra gánh nặng cho ngân sách quốc gia mà họ phải đóng thuế để duy trì. “Quốc tịch và chính sách nhập cư đang bị lợi dụng riêng cho các mục tiêu chính trị”, ông Henry Sherrell, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chính sách Phát triển Đại học Quốc gia Úc nhận định.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi chính sách nhập cư của Úc sẽ là những người đến Úc theo diện tị nạn hoặc di dân được tiếp nhận vì lý do nhân đạo, bởi vì những người đến làm việc hoặc du học đã phải qua kỳ kiểm tra tiếng Anh nghiêm ngặt và chứng minh có đủ trình độ ngôn ngữ cần thiết. Kỹ năng sử dụng máy tính để thực hiện các bài kiểm tra cũng là trở ngại mà người di dân phải vượt qua để được xét nhập quốc tịch Úc.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người nước ngoài đang là thường trú nhân ở Úc, có đủ điều kiện nhập quốc tịch nhưng sẽ không nộp hồ sơ và không dự kiểm tra. Ở Mỹ có hàng triệu thường trú nhân có thể trở thành công dân Mỹ nhưng không muốn nhập tịch vì chi phí nhập tịch quá cao và các bài kiểm tra quá khó. Nhiều người di dân ở Úc cũng bày tỏ mối lo lắng tương tự.
Trong năm 2015-2016 có 102.029 người dự kỳ kiểm tra nhập tịch Úc; trong số này có 3.447 người bị “trượt” lần thứ ba, theo số liệu của Bộ Di trú và Bảo vệ biên giới Úc. Nếu các quy định mới của chính phủ được Nghị viện Úc thông qua thì những người bị trượt sau ba lần kiểm tra sẽ mất cơ hội trở thành công dân Úc. Và đây lại là một chướng ngại nữa trên con đường trở thành công dân xứ chuột túi.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/