|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UBTVQH thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

14:53 | 06/10/2016
Chia sẻ
Tại phiên họp thứ 4 diễn ra vào sáng 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng gồm 6 chương với 47 điều, quy định về các nội dung hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV...

Theo Tờ trình về dự án Luật, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của Nghị định 56 chưa cao, dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.

Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nhằm cụ thể hoá chủ trương tại các nghị quyết Đại hội Đảng.

Cùng với đó, ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỉ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, hỗ trợ DNNVV được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế.

“Vì vậy, để giải quyết những hạn chế và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời học tập kinh nghiệm của các nước trong hỗ trợ DNNVV, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, Tờ trình lý giải về sự cần thiết ban hành dự án Luật.

Mục tiêu và quan điểm xây dựng dự án Luật là nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DNNVV; hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, bảo đảm không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV...

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hỗ trợ DNNVV của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật này.

Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhận định việc xây dựng dự án Luật có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV cũng như tạo việc làm cho người lao động, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng dự án Luật cần làm rõ hơn những vấn đề về phạm vi điều chỉnh; mối quan hệ giữa Luật Hỗ trợ DNNVVvới các luật khác đã được ban hành; tính tương thích của các quy định trong Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia...

"Việc hỗ trợ DNNVV ai cũng thấy cần thiết, nhưng kỹ thuật lập pháp thế nào, việc ban hành như thế nào để các quy định được rõ, không trùng chéo với các luật, các quy định khác thì cần phải hết sức quan tâm nghiên cứu và xem xét kỹ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, dự án Luật cần tiếp tục quan tâm xây dựng các quy định cụ thể hơn về đối tượng, mức độ hỗ trợ cũng như việc tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần đặc biệt lưu ý đến xây dựng các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho phù hợp vì theo quy định như trong dự án Luật thì đối tượng áp dụng là quá rộng.

Một số ý kiến khác cho rằng trong hỗ trợ, cần hết sức quan tâm đến nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng, công bằng. Ngoài hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với chương trình hỗ trợ trọng tâm thì cần rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung, đồng thời, trong dự thảo Luật cũng cần quy định rõ hơn nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước trong hỗ trợ trực tiếp, như vai trò hỗ trợ cung cấp thông tin (về chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch...); hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại...

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp để bổ sung hồ sơ, hoàn thiện dự án Luật, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, đánh giá tác động của Luật khi được ban hành; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật chung; bảo đảm các nguyên tắc thị trường trong hoạt động doanh nghiệp...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án luật lớn nên các quy định phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng của Luật. Nếu quy định lỏng lẻo, không rõ ràng, khi ban hành dễ bị lợi dụng, dẫn đến phát sinh tiêu cực.

Theo Nguyễn Hoàng

Chinhphu.vn

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.