|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

UBCK sắp trình kế hoạch sửa Luật Chứng khoán

20:55 | 14/01/2017
Chia sẻ
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành và đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về thị trường chứng khoán phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế đất nước, Bộ Tài chính lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Hồ sơ đề nghị đã phác thảo mục tiêu, nội dung của chính sách, giải pháp thực hiện chính sách. Trong đó hướng đến việc giao cho UBCKNN đủ thẩm quyền để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; tăng cung hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán cho TTCK; mở rộng TTCK có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do; thu hút đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường.

Thêm quyền năng cho UBCKNN, công bố thông tin theo quy mô vốn và tính đại chúng

Cụ thể, luật Chứng khoán sửa đổi thời gian tới sẽ đi theo hướng bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCKNN có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm; các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm; tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan (ngân hàng, thuế, đăng ký kinh doanh, công an...) trong phối hợp thực hiện.

Quy định về công bố thông tin cũng dự kiến quy định rõ ràng hơn. Theo đó, cơ chế CBTT của công ty đại chúng được dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng. Quy định rõ phương thức CBTT, đối tượng, nội dung CBTT và làm rõ trách nhiệm CBTT của các cổ đông lớn/nhà đầu tư sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ đóng, nhóm người có liên quan và các chức danh nội bộ, người có liên quan của người nội bộ của công ty đại chúng/quỹ đại chúng..

Hợp nhất về một sàn, tái định nghĩa công ty đại chúng

Về việc tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán Việt Nam theo hướng cả nước chỉ có 01 SGDCK là loại hình doanh nghiệp đặc thù, hoạt động không hoàn toàn nhằm mục đích lợi nhuận. Trong đó, phân định các khu vực thị trường: (i) thị trường cổ phiếu; (ii) thị trường trái phiếu và (iii) thị trường chứng khoán phái sinh.

Chính sách đối với thị trường giao dịch chứng khoán cũng sẽ hướng tới việc hoàn thiện hệ thống giám sát giao dịch thông qua cơ chế giám sát theo 3 công ty chứng khoán thành viên, SGDCK và UBCKNN. Như vậy, Luật sẽ bổ sung quy định công ty chứng khoán là cấp giám sát thứ nhất và quy định CTCK phải xây dựng bộ tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán.

Đối với mục tiêu thu hút vốn từ NĐTNN, Bộ Tài chính dự kiến sẽ sửa thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty đại chúng trên TTCK Việt Nam. Cụ thể, về quy định sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng được xem xét áp dụng tỷ lệ 100% thay vì 49% đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với NĐTNN không quy định về sở hữu nước ngoài.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài được theo hướng là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả NĐTNN và tổ chức kinh tế có NĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tính trên tổng số vốn điều lệ của một công ty đại chúng…

Luật Chứng khoán sửa đổi cũng hướng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán, nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và xác định điều kiện chào bán phù hợp cho từng loại chứng khoán.

Khái niệm của công ty đại chúng cũng sẽ được làm rõ ràng và nâng cao chất lượng thông qua việc nâng cao tiêu chí công ty đại chúng: không bị ràng buộc bởiđiều kiện về niêm yết hay điều kiện về chào bán ra công chúng, nâng cao điềukiện về vốn điều lệ (50 tỷ đồng) và số lượng nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty (ít nhất 200 cổ đông).

Việc thay đổi Luật Chứng khoán cũng từng được Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đề cập tới và đánh giá là một trong các yếu tố thuận lợi của TTCK 2017. "Trong năm tới, điểm thuận lợi của TTCK là kế hoạch sửa luật Chứng khoán, gỡ được dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với Luật Đầu tư.", ông Bằng cho hay.

>> Năm 2017 có nhiều yếu tố tích cực, thu hút vốn ngoại sẽ "hóa giải" được câu chuyện tỷ giá Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ xem xét, thông qua, Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của chính sách về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Văn bản góp ý gửi về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc địa chỉ email luatchungkhoansd@gmail.com chậm nhất là ngày 10/02/2017.

Thanh Thủy