Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập hãng bay riêng, đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lỡ hẹn
Nhiều hãng bay mới ra đời
Sau Bamboo Airways, hàng loạt đề án thành lập hãng hàng không mới đang “xếp hàng” chờ Chính phủ xem xét, chấp thuận, gồm: Vinpearl Air của Công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air, KiteAir của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, Vietravel Airlines của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam Vietravel Airlines.
Hồi tháng 7/2019, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines), đưa hãng này trở thành doanh nghiệp hàng không chung đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.
Đặc biệt, sự “lấn sân” sang kinh doanh hàng không của người giàu nhất Việt Nam là tỷ phú Phạm nhật Vượng và các đại gia khiến thị trường hàng không Việt Nam thêm sôi động. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.
Nếu được Chính phủ chấp thuận, trong năm 2020, Việt Nam sẽ có 9 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways, Vinpearl Air, Vietravel Airlines, KiteAir và Vietstar Airlines.
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2020, diễn biến thị trường sẽ có nhiều thay đổi và chắc chắn cạnh tranh khốc liệt hơn.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục “lỡ hẹn” trong năm 2019 do “tắc” 1% khối lượng Tổng thầu Trung Quốc chưa thể hoàn thành và tư vấn độc lập đang trong quá trình nghiệm thu dự án.
Bộ GTVT thông tin Tổng thầu chưa đề xuất mốc thời gian hoàn thành cụ thể mà dự kiến công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, do tiến độ Tổng thầu đưa ra chưa chi tiết nên không khả thi.
Nếu Tổng thầu hoàn thành nghiệm thu hệ thống và vận hành thử 20 ngày theo quy định thành công thì tuyến Cát Linh - Hà Đông mới có cơ may chính thức vận hành trong năm 2020.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, Dự án vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị “phá sản” do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về Dự án.
Ngoài Cát Linh - Hà Đông, tất cả các dự án đường sắt đô thị thuộc Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ. Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội tiến độ chung mới đạt trên 63% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi hiện vẫn chưa thể triển khai. Hai dự án đường sắt đô thị TP.HCM cũng trong tình trạng chậm tiến độ, phải điều chỉnh vốn là tuyến Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương.
Hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam
Trước bức xúc của dư luận xã hội về nguy cơ “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam có thể rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hủy đấu thầu quốc tế “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam.
Bộ GTVT khẳng định việc hủy đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc-Nam là do thay đổi mục tiêu của dự án, việc này giúp phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam.
Tháng 10/2019, Bộ GTVT phát hồ sơ sơ tuyển lại với các nhà đầu tư trong nước. Hiện các Ban quản lý dự án thuộc Bộ đang chấm vòng sơ tuyển (30 nhà đầu tư trong nước), giữa tháng 2 sẽ công bố kết quả. Nếu đấu thầu vòng 2 thuận lợi, 8 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam có thể được khởi công trong nửa sau của năm 2020.
Quốc hội ra Nghị quyết về sân bay Long Thành
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 4,7 tỷ USD. Cuối tháng 11/2019, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành.
Theo đó, Quốc hội đồng ý đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm trong giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ không chỉ định thầu mà lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành
Hai tuyến cao tốc kết nối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đều đang chậm tiến độ do thiếu vốn kéo dài.
Tính đến tháng 11/2019, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành mới đạt hơn 77% sản lượng, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ 27% so với kế hoạch.
Mới đây, dự án cao tốc kéo dài 10 năm Trung Lương - Mỹ Thuận khi các ngân hàng tài trợ vốn đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân hơn 6.600 tỉ đồng vào giữa tháng 12 vừa qua, giúp dự án có thể đạt mục tiêu thông tuyến cuối năm 2020 và hoàn thành vào quý II/2021.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/