|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ lệ nợ xấu tại các công ty tài chính tăng lên 9 - 10% sau 9 tháng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

07:55 | 01/11/2021
Chia sẻ
Trong 9 tháng đầu năm, trong khi dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng thì tỷ lệ nợ xấu bình quân tại các công ty tài chính đã tăng từ 6% lên 9 - 10% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm 2021.
Nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng gấp rưỡi trong 9 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: FE Credit).

Theo thông tin từ Hiệp hội ngân hàng (VNBA), sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm công ty tài chính thành viên, tổng tài sản các công ty tính đến cuối tháng 9 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020.

Tổng vốn điều lệ của các công ty hội viên đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối. Trong đó, công ty đứng đầu về vốn điều lệ là FE Credit với 10.928 tỷ.

Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu bình quân đã tăng từ 6% cuối năm 2020 lên 9 - 10% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng. 

Tỷ lệ nợ xấu cao là một trong những đặc thù của các công ty tài chính do đối tượng vay vốn chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, không ổn định, món vay nhỏ lẻ,... có rủi ro cao. 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư từ quý II đến quý III/2021, việc giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Một số khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập,... dẫn đến giảm hoặc mất khả năng thanh toán.

Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định. Đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,...

Những yếu tố này vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, Tổng thư ký cũng nêu một số kết quả thực hiện cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí, lãi suất cho vay hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các công ty thành viên.

Trong đó, FE Credit đã có tới 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi.

Công ty Lotte Finance đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng.

Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ là 45 tỷ đồng.

Công ty SHB Finance hỗ trợ cho 3.995 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ được cơ cấu là 104 tỷ đồng.

Công ty MB Shinsei hỗ trợ cho 18.493 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là hơn 381 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 29.320 khách hàng với tổng dư nợ được miễn giảm lãi lũy kế là gần 486 tỷ đồng.

Lê Huy