|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các Bộ, ngành mới chỉ đạt 8,58%

07:00 | 22/05/2024
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 15/5 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.

Tại Hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2024 tổ chức ngày 21/5, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), tính đến hết ngày 15/5 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó hai bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% gồm: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 8 Bộ ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

"Đến hết tháng 6 tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021 - 2023",  Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ dự kiến. 

Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính. (Nguồn: Bộ Tài chính). 

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương cho biết thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt giải ngân như đôn đốc các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân theo tháng.

Đồng thời, rà soát, kiện toàn các ban chỉ đạo để phân công các lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo triển khai tại các dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng xuất phát chủ yếu từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân do chậm triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư, chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế, chậm trong khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng, điều chỉnh thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế kỹ thuật.

Cùng với đó, dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; kế hoạch vốn chưa bám sát tiến độ triển khai của các dự án...

Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt

Liên quan đến các đề xuất xin điều chuyển vốn, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc điều chuyển vốn phải xuất phát trên cơ sở tổng hợp cũng như nhu cầu đề nghị bổ sung vốn từ các Bộ, ngành theo Luật Đầu tư công. Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp các nhu cầu này để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, dự kiến từ năm 2025 sẽ có nhiều dự án mang tính quan trọng của quốc gia, sẽ phải dành nhiều vốn cho các dự án này.

"Do đó, cần thiết phải nhìn nhận lại các dự án đang xin trả vốn như hiện nay thì năm sau đăng ký vốn thế nào, có giải ngân được hay không, đối với những dự án vướng mắc liên tục nhiều năm liền nhưng không giải quyết được cũng cần làm rõ để giải quyết triệt để", bà Trinh đề nghị. 

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Nguồn: Bộ Tài chính).  

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, Bộ Tài chính cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Bộ KH&ĐT cần hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.

Các địa phương và Ban quản lý dự án cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân hay thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, cần có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước 30/6 để phối hợp thực hiện.

"Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương cần báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư, trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có)", Bộ Tài chính nêu rõ. 

Ngọc Bảo