Tỷ giá USD hôm nay 23/4: USD đạt mức đỉnh mới trong 25 tháng
USD quốc tế tiếp tục tăng lên mức cao nhất 2 năm qua
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đạt 101,12 sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 là 101,58 theo ghi nhận lúc 06h15 (giờ Việt Nam).
Tỷ giá euro so với USD giảm 0,31% về mức 1,0801. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 1,47% xuống mức 1,2838. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng nhẹ 0,13% ở mức 128,55.
Theo Investing, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm, tiếp tục nhận được hỗ trợ từ những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về việc thắt chặt nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách vào tháng tới cùng các đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, USD đã tăng 5,7%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Tỷ giá USD hôm nay 25/4: Duy trì ở mức cao 25/04/2022 - 07:14
Calvin Tse, trưởng phòng chiến lược các thị trường phát triển châu Mỹ tại BNP Paribas ở New York, cho rằng ngay cả Fed cũng đang cảm thấy rằng đó chưa phải thắt chặt quá mức bởi vì sau khi những đợt tăng này được thực hiện, chính sách vẫn sẽ lỏng lẻo và vẫn có khoảng trống. Các nhà đầu tư cũng đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều nhất trong hơn hai thập kỷ qua ở mỗi lần tăng trong cả bốn lần điều chỉnh theo kế hoạch.
Thị trường tiền tệ đang kỳ vọng mức thắt chặt 200 điểm cơ bản vào tháng 9. Điều này ngụ ý mỗi đợt tăng nửa điểm vào tháng 5, 6, 7 và 9, điều chưa từng thấy kể từ năm 2000, để đưa giới hạn trên của phạm vi mục tiêu của lãi suất lên 2,50%. Thông tin này được đưa ra sau khi Chủ tịch Powell cho thấy cách tiếp cận nhanh chóng của ông để kiềm chế lạm phát vào thứ Năm.
Trong khi đó, đồng euro đã giảm sau khi các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy các tín hiệu trái ngược về bước đi tiếp theo của một chính sách chung, trái ngược với kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào ngày 3 và 4/5 đã hỗ trợ cho đồng USD.
Đồng euro giảm 0,31% xuống 1,0801. Dữ liệu PMI hôm qua cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ khu vực đồng euro tăng mạnh, trong khi các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tỏ ra trung lập khi phát biểu rằng ECB có thể cần phải cắt giảm triển vọng tăng trưởng của mình sau khi một số nhà hoạch định chính sách kêu gọi kết thúc sớm kế hoạch mua tài sản và cho rằng ECB đã sẵn sàng tăng lãi suất vào tháng Bảy. Điều này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng lãi suất ECB có nguy cơ “tụt hậu” đáng kể so với đường cong lãi suất. Moritz Paysen, cố vấn ngoại hối tại Berenberg, cho biết để thuyết phục thị trường trong dài hạn, tất cả các thành viên ECB phải ngồi họp lại vì triển vọng về chính sách tiền tệ là lối đi chính cho thị trường tiền tệ.
Mặt khác, thị trường đang chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra vào Chủ nhật giữa đương nhiệm Emmanuel Macron và đối thủ Marine Le Pen. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Macron giành ưu thế với 55% số phiếu bầu. Các nhà phân tích nhận định chiến thắng của Le Pen có thể gây căng thẳng với các đồng minh châu Âu và tạo áp lực lên đồng tiền chung.
Ở một diễn biến khác, đồng bảng Anh giảm so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi dữ liệu bán hàng và các bình luận gần đây của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) báo hiệu sự chậm lại trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến có thể xảy ra. Thống đốc BOE Andrew Bailey tỏ ra thận trọng về việc tăng lãi suất và lo ngại hơn về nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 0,9% xuống mức thấp nhất trong 12 tháng là 6,548 và được coi là tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua. Thị trường đang tự hỏi liệu sự sụt giảm trong tuần này có phải là một phản ứng chính sách để chống lại sự suy giảm kinh tế hay không. Các nhà phân tích của Deutsche Bank cho biết COVID-19 vẫn là rủi ro giảm giá đáng kể nhất đối với triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá trong vài quý tới.
Đồng yên Nhật duy trì quanh ngưỡng 129,37 nhưng vẫn ở mức yếu do đã bị ảnh hưởng từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mắc kẹt với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình.