|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỷ giá biến động, mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng phân hoá rõ nét

13:30 | 12/11/2024
Chia sẻ
Sau 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại nhiều ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng, chuyển từ lỗ sang lãi lớn, nhưng cũng có các ngân hàng lỗ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.

Trước những biến động bất thường của tỷ giá nửa đầu năm nay lãi thuần có sự phân hoá rõ nét, có ngân hàng thương mại vẫn ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi đáng kể từ kinh doanh ngoại hối hoặc từ lỗ chuyển sang lãi trong mảng này, nhưng cũng nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ tính đến hết quý III/2024. 

Theo thống kê từ 29 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố số liệu, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 19.621 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó có 12 nhà băng tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, 4 ngân hàng ghi nhận lỗ từ mảng kinh doanh ngoại hối. 

Sau 9 tháng đầu năm 2024, “ông lớn” BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 (không tính Agribank do chưa công bố báo cáo tài chính) ghi nhận lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng, đạt gần 3.923 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì vị trí quán quân trên toàn hệ thống.

Trước đó, trong nửa đầu năm, BIDV đã vượt qua Vietcombank để trở thành quán quân trong mảng này. Tuy nhiên, ngân hàng không thuyết minh chi tiết khoản mục này.

 

4 ngân hàng lỗ từ kinh doanh ngoại hối

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý III vừa công bố, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) gây ấn tượng với khoản lãi hoạt động ngoại hối với 1.017 tỷ đồng trong ba quý đầu năm. Trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 117 tỷ đồng. 

Thuyết minh báo cáo cho biết, 9 tháng đầu năm lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 4.706 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, lãi từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay tăng từ 746 tỷ đồng lên 1.532 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 105,4%; trong khi đó, lãi từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ tăng 32,3%, đạt 3.173 tỷ đồng.

(Nguồn: BCTC ngân hàng Techcombank quý III/2024)

Cùng diễn biến, VPBank cũng là một trong hai ngân hàng có mức tăng đột biến từ lãi thuần hoạt động kinh doanh hối mang về khoản lãi hơn 594 tỷ đồng. Con số này không quá lớn nhưng nếu so với mức lỗ hơn 600 tỷ đồng cùng kỳ năm trước thì đây là mức tăng trưởng đáng kể.

Thuyết minh báo cáo của VPBank cho biết, trong 9 tháng thu nhập từ mảng này tăng 6%. Trong đó, thu từ các công cụ tài chính phái sinh chiếm phần lớn tỷ trọng thu nhập với hơn 52% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, đạt 1.804 tỷ đồng, tăng 112%. Bên cạnh đó, thu từ kinh doanh tăng trưởng gấp hơn 46 lần so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 5 tỷ đồng; trong khi thu từ ngoại tệ giao ngay giảm 31%, đạt 1.645 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, chi phí lại giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giảm chi phí từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay (giảm gần 52%).

(Nguồn: BCTC ngân hàng VPBank quý III/2024)

Ở chiều ngược lại, 4 ngân hàng lỗ nhiều nhất ở mảng này phải kể đến như PVcomBank (lỗ 201 tỷ đồng), Bac A Bank (lỗ 81 tỷ đồng), Nam A Bank (lỗ 22 tỷ đồng) và PGBank (lỗ 3 tỷ đồng). 

Kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào biến động tỷ giá

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, hoạt động kinh doanh ngoại hối có hai nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Mảng này phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá USD và các ngoại tệ khác trong nước.

Trong những ngày đầu tiên của tháng 11/2024, thị trường ghi nhận mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng tăng so với mức giao dịch bình quân khá thấp trong tháng 10, đồng thời tỷ giá USD/VND trong vài tuần vừa qua cũng tăng trở lại gần đạt mức cao nhất vào thời điểm giữa năm 2024.

ACBS nhận định, VND có khả năng đối mặt với áp lực giảm giá mạnh nếu Trump thắng cử và thực hiện những chính sách của mình (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, áp thuế suất nhập khẩu,…), vì những điều này củng cố giá trị đồng USD. Trong ngắn hạn, một đồng USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VNĐ. 

Về công tác dự báo diễn biến tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia của UOB tiếp tục đưa ra các mức dự báo trên các yếu tố nền tảng và tiềm năng tốt cho kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025.

Về tỷ giá, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng trên cơ sở Việt Nam tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn, thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng sẽ hỗ trợ tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 3% hàng năm, trong đó quý IV/2024 đạt 25.200 đồng, quý I/2025 đạt 25.000 đồng, quý II/2025 đạt 24.800 đồng và quý III/2025 đạt 24.600 đồng.

Biến động tỷ giá USD/VND (Nguồn: ACBS)

Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đồng USD cũng biến động ở mức cao, tác động mạnh đến thị trường ngoại hối trong nước.

Để ổn định thị trường này rất khó khăn, bởi phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ thực, Thống đốc làm rõ quan điểm của NHNN cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định VNĐ.

Việc điều hành tỷ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%. Thống đốc nhấn mạnh, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn, NHNN sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân.

Minh Nguyệt