Tương lai nào cho Gỗ Trường Thành?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) lao dốc mất 3/4 giá trị chỉ sau có 1 tháng và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt khi bất ngờ báo lỗ lũy kế cuối quý II là 1.082 tỷ đồng, nguyên nhân từ việc tồn kho “bốc hơi” 980 tỷ đồng.
Những tưởng sau lộ trình tái cấu trúc từ năm 2014 và cổ đông lớn là công ty con của Vingroup mới đây giúp TTF có một luồng sinh khí mới để phát triển nhưng có vẻ mọi chuyện không hề đơn giản.
“Cú sốc” từ 2013
Nhìn lại báo cáo tài chính của TTF, doanh nghiệp đã có thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2009 – 2010 với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đáng kể hàng năm.
Đơn vị: tỷ đồng |
Đến năm 2011, tình hình kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, tỷ suất LN gộp/doanh thu thuần giảm 4,39% so với năm trước. LNTT giảm 61%, chỉ còn đạt gần 17 tỷ đồng. EPS từ 1.249 đồng năm 2010 giảm xuống còn 297 đồng/cp.
Giai đoạn 2012 – 2013, hệ số đòn bẩy tài chính của TTF luôn ở mức cao, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu 2 năm này đạt lần lượt 3,68 lần và 3,02 lần. Sử dụng vay nợ làm đòn bẩy cho tăng trưởng doanh nghiệp giống như con dao 2 lưỡi, và khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kì bất động sản đóng băng, lãi vay cao trở thành gánh nặng khiến TTF thua lỗ.
Đơn vị: tỷ đồng |
Hàng tồn kho hàng năm của TTF thường khá lớn, tăng dần qua các năm, chiếm hơn nửa tổng tài sản công ty. Giai đoạn 2013 - 2015, tồn kho TTF trên mức 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Đơn vị: tỷ đồng |
Năm 2013, tồn kho lớn, dư nợ cao, TTF đứng trước áp lực trả lãi vay lớn cho ngân hàng cũng như áp lực ngân lưu lớn, "nhiều lần suýt rơi vào tình trạng ngưng hoạt động" theo thừa nhận của ông Võ Trường Thành, cựu Chủ tịch HĐQT TTF chia sẻ.
HĐQT và Ban điều hành công ty đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc tài chính như phát hành tăng vốn để giảm nợ vay, phát hành cho đối tác chiến lược nước ngoài...
Nhờ phát hành cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) năm 2014 mà Vietcombank đã xóa lãi vay 104 tỷ đồng cho TTF. Việc xóa lãi vay này căn cứ biên bản thỏa thuận giữa DATC và TTF, hợp đồng mua bán nợ giữa DATC và Vietcombank.
Sự xuất hiện của Vingroup
Tháng 9/2015, TTF phát hành thành công khoản vay chuyển đổi 603,5 tỷ đồng với giá 14.200 đồng/cp cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup - VIC). Số tiền này chuyển đổi thành 42,4 triệu cổ phần TTF.
Tới tháng 1/2016, TTF tiếp tục phát hành chuyển đổi khoản vay 598,6 tỷ đồng cho Tân Liên Phát với giá 22.000 đồng/cp, tương đương chuyển thành 27,2 triệu cổ phần. Như vậy, Tân Liên Phát đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để mua lại 72,16 triệu cổ phần TTF, tương đương 49,9% vốn.
Tiếp tục, vào tháng 4/2016, ĐHCĐ TTF thông qua việc phát hành 69,7 triệu cổ phần cho Tân Liên Phát để hoán đổi khoản vay 1.201,9 tỷ đồng. Với sự tham gia của Vingroup, cổ phiếu TTF đang từ mức 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu đạt mức đỉnh 43.600 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7/2016. Kỳ vọng là có cơ sở, khi nhà đầu tư mong đợi TTF sẽ thành một Coteccons (mã CTD) thứ 2, đạt mức tăng trưởng vượt trội nhờ cung cấp gỗ cho các dự án của Vingroup.
Tuy nhiên tới tháng 7, Tân Liên Phát quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay này vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố. Tân Liên Phát sẽ làm rõ các sai lệch này và sẽ có thông báo cách thức xử lý vào thời điểm thích hợp. Đây là khởi đầu cho việc cổ phiếu TTF lao dốc suốt hơn 1 tháng qua.
Biến động giá cổ phiếu TTF trong vòng 1 năm qua khi có sự tham gia và tạm dừng của Tân Liên Phát |
Và, sai lệch mà Tân Liên Phát nhắc tới có lẽ chính ở thông tin tồn kho TTF tới cuối quý II/2016 "bốc hơi" 980 tỷ đồng khiến lợi nhuận TTF lỗ tới 1.082 tỷ đồng.
Từ khi có sự xuất hiện của Tân Liên Phát, bộ máy lãnh đạo của TTF cũng có sự thay đổi. Bà Vũ Tuyết Hằng, Phó TGĐ Vingroup được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc TTF từ ngày 27/5 thay cho ông Võ Trường Thành.
Mới đây, ngày 13/8, bà Hằng tiếp tục được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT TTF thay ông Thành. Nguyên nhân là bởi ông Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của Công ty.
Cùng thời điểm này, một nhân sự khác từ Vingroup là bà Phạm Thị Huyền Nga (Phó Giám đốc Vingroup, chi nhánh TP HCM) cũng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT TTF.
Ghi nhận thực tế tại TTF
Đầu tuần này, PV VietnamBiz có cuộc thị sát hoạt động của TTF tại trụ sở của công ty tại đường DT 747, khu phố 7, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Theo ghi nhận, TTF vẫn tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Xe chở hàng ra vào tấp nập, nguyên vật liệu sản xuất vẫn chất đống tại sân nhà máy, khu lán xe nhân viên, công nhân chật kín.
Cảnh quan công ty Gỗ Trường Thành . Ảnh: Khổng Chiêm |
Công ty cũng đang giăng thông báo tuyển công nhân tại các vị trí như nhân viên quảng cáo vật tư, thủ kho, lái xe, tổ trưởng sản xuất. Mức lương trung bình cho các vị trí khoảng 6 triệu đồng/tháng, chưa kèm tăng ca, phụ cấp. Theo tìm hiểu, TTF có nhu cầu tuyển khoảng 700 công nhân cho các vị trí trên.
Hình ảnh bên trong sân nhà máy, gỗ được chất đầy và nhân viên làm việc liên tục. Ảnh: Khổng Chiêm |
Gặp một nam công nhân của TTF ngoài cổng sau giờ tan ca, công nhân này cho biết hiện tại TTF thực hiện tăng ca các ngày thứ 2 – 4 – 6 trong tuần. Lương được trả đều đặn vào ngày 15 hàng tháng và không có chuyện nợ lương. Người công nhân này đánh giá, TTF là doanh nghiệp trả lương cao nhất trên địa bàn và công nhân làm việc ở đây thường khá tin tưởng.
Vào thời điểm TTF thực hiện tái cấu trúc tài chính và có các tín hiệu khả quan, khi ấy Ban lãnh đạo còn lên kịch bản lãi tới hơn 500 tỷ đồng đến năm 2019. Xong, câu chuyện hiện tại vẫn là một bức tranh màu xám khi mà Công ty không đưa ra được lý do "bốc hơi" hàng tồn kho và Vingroup thì chững lại việc chuyển đổi nợ.
Tuy nhiên, việc Vingroup tiếp tục đưa người vào lãnh đạo TTF cũng như hoạt động sản xuất bình thường của Công ty khiến nhà đầu tư không khỏi đặt nghi vấn, liệu tương lai TTF rồi sẽ đi về đâu?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/