|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tương lai nào cho dự án BT?

07:09 | 23/06/2020
Chia sẻ
Dự án không đúng bản chất đối tác công tư, mua công trình giá đắt, đổi lại đất đai và tài sản công với giá bèo, gây thất thoát ngân sách nhà nước là những lí do khiến loại hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT) bị loại khỏi dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) là một trong những nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội vừa qua. Do còn có ý kiến khác nhau, trước khi dự án luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1: sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng chặt chẽ hơn, khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh. Thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu (56% số dự án) trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. 

Do vậy, cần giữ phương thức đầu tư này với những sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ, thủ tục công khai, minh bạch, cạnh tranh.

 Phương án 2: không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT tại luật PPP, vì dự án BT không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP. Thực tiễn triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.

“Thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh viện dẫn các ý kiến lựa chọn phương án “khai tử” BT. 

Dừng triển khai từ 15/8

Đồng tình “khai tử”, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt. Đặc biệt nhà đầu tư thường tìm cách để được chỉ định thầu, rồi được trả lại các khu “đất vàng”. 

“Dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP. Nếu nhà nước thiếu vốn thì nên đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có thay vì giao cho nhà đầu tư BT”, ông Hòa nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nếu thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì đã được điều chỉnh bằng Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Còn thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản, đất đai thì được điều chỉnh theo pháp luật về quản lý tài sản công. Do vậy, không nên đưa BT vào luật này.

“Xây dựng thế nào hoàn toàn do nhà đầu tư tự quyết định. Rồi nhà nước phải mua lại theo giá nhà đầu tư khai báo, dẫn đến tình trạng giá công trình có thể đội lên… Từ đó dẫn đến tình trạng nhà nước mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản với giá rẻ”, ông Cường phân tích.

Tiếp thu các ý kiến trước khi Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại luật PPP. Qua đó, luật quy định rõ các trường hợp chuyển tiếp đối với dự án BT đã và đang triển khai thực hiện trước ngày luật này có hiệu lực thi hành. 

Đồng thời bổ sung điều khoản về việc dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT, bổ sung quy định: Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.

5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

a) Giao thông vận tải;

b) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;

c) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;

d) Y tế; giáo dục - đào tạo;

đ) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Thành Nam