Từng hợp tác sản xuất bia Thái, Carlsberg và Thaibev tham vọng thâu tóm hai hãng bia đối thủ lớn nhất của Việt Nam
Bloomberg: Carlsberg có thể mua cổ phần Habeco theo giá thị trường | |
Nếu Thái Bev mua thành công Sabeco, cuộc chơi cho bia Thái tại Việt Nam liệu có rộng mở? |
Mặc dù được mệnh danh là “ông trùm” bất động sản nhưng tên tuổi của tỷ phú Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi thực sự lan tỏa khắp châu Á sau cuộc bắt tay với hãng bia Carlsberg của Đan Mạch vào năm 1991, để cạnh tranh với thương hiệu bia Shingha, khi đó đang thống lĩnh thị trường Thái Lan.
Chỉ mất vài năm, ông Chaoren đã lĩnh hội được các tinh hoa của Carlsberg và cho ra đời thương hiệu bia riêng của mình, mang tên “Chang” trong tiếng Thái có nghĩa là “chú voi”, linh vật của người Thái. Sau 5 năm, chính thương hiệu bia này đã đánh bại được Shingha và vươn lên chiếm 60% thị phần tại Thái Lan.
Thaibev từng hợp tác với Carlsberg để sản xuất bia Chang. |
Đến năm 2003, Carlsberg đã dừng hợp tác với Thaibev. Vào năm 2005, tỷ phú Charoen còn khiến cho hãng bia Carlsberg phải trả 120 triệu USD để giải quyết các vấn đề pháp lý với ThaiBev. Trong cuộc chiến này với Carlsberg, Charoen ban đầu thậm chí đòi hãng bia Đan Mạchnày phải bồi thường thiệt hại với số tiền lên tới 2 tỷ USD.
Đến nay, tại Việt Nam, mối quan hệ đối tác giữa ThaiBev và Carlsberg đã trở thành đối thủ. Cả hai hãng bia ngoại đều không giấu giếm tham vọng tranh giành thị trường bia Việt Nam.
Thaibev đã có trong tay Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khi gián tiếp thông qua công ty tại Việt Nam chi gần 5 tỷ USD để sở hữu hơn 53% cổ phần. Trong khi Carlsberg luôn khẳng định tham vọng muốn phân chia lại thị trường bia Việt Nam khi nâng sở hữu tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Carlsberg Việt Nam là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 thông qua hợp tác với một số công ty bia nội địa, trong đó có Công ty TNHH Bia Huế (Huda-HBL). Ngày nay, bia Huda đã chính thức thuộc sở hữu 100% của tập đoàn Carlsberg.
Carlsberg vẫn luôn khẳng định tham vọng muốn phân chia lại thị trường bia Việt Nam khi nâng sở hữu tại Habeco. |
Đình đám là vậy nhưng đây không phải lần đầu tiên Carlsberg có sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp bia Việt. Carlsberg còn ở hữu 60% cổ phần tại Bia Đông Nam Á (Halida), 55% cổ phần Bia Hà Nội - Vũng Tàu và 30% cổ phần tại Bia Hạ Long.
Cuối năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng nhau thành lập công ty mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nhà máy công suất 50 triệu lít/năm.
Năm 2008, Carlsberg đã được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco. Khi đó Carlsberg mua lại 15% cổ phần từ Bộ Công Thương, sau đó tiếp tục gom mua từ các cổ đông khác để nâng tỷ lệ sở hữu lên 17,23%. Carlsberg vẫn luôn khẳng định tham vọng muốn phân chia lại thị trường bia Việt Nam khi nâng sở hữu tại Habeco.
Và kế hoạch này đã được hãng chờ đợi trong gần một thập niên. Trả lời Bloomberg gần đây, ông Cees ‘t Hart, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg chia sẻ, hãng mong muốn có được cổ phần cao hơn tại Habeco, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. “Chúng tôi đang đàm phán để gia tăng cổ phần ở Habeco. Carlsberg có quyền ưu tiên mua cổ phần tại đây và quyền này đã được công nhận”, vị này khẳng định.
Với thỏa thuận lúc hợp tác chiến lược, Carlsberg sẽ được quyền ưu tiên với 60% cổ phần của Habeco trước khi Habeco bán tiếp cổ phần.
Bộ Công Thương vốn nắm giữ 81,8% cổ phần Habeco và đang có kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên qua nhiều lần đàm phán, việc hãng bia Đan Mạch có được mua lại cổ phần mà Bộ Công thương thoái hay không vẫn chưa ngã ngũ. Mặc dù trước đó Carlsberg muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 61,79% nhưng do trần khối ngoại của Habeco ở mức 49% nên Carlsberg chỉ có thể mua lại tối đa 31,7% cổ phần Habeco.
Theo nguồn thông tin mới nhất, nếu muốn thâu tóm Habeco thì Carlsberg buộc phải trả tiền theo giá trị thị trường. Việc định giá bán và tỷ lệ bán cho Carlsberg thế nào là yếu tố khiến thương vụ mua bán này trở nên dai dẳng chưa có hồi kết.
Tuy vậy Chính phủ vẫn đang kỳ vọng sẽ bán được vốn ở Habeco trong quý I năm nay. Cả Carlsberg và Habeco vẫn đang xem xét kỹ lương để giải quyết vấn đề thỏa đáng nhằm vừa đảm bảo được điều khoản hợp đồng đã ký kết vừa đảm bảo được cơ chế giá thị trường.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị phần bia Việt hiện nằm trong tay Sabeco (40%) và hãng bia ngoại Heineken (25%). Habeco ở vị trí thứ 3 với 18%. Riêng Carlsberg nắm giữ 10,8% thị phần. Ngoài ra, thị trường còn có sự góp mặt của các tên tuổi khác như Sapporo, AB InBev, Masan...
VCSC nhận định, nâng sở hữu tại Habeco là cách để Carlsberg thâm nhập thị trường miền Bắc và giải quyết bài toán thị phần tại Việt Nam, trong bối cảnh không chỉ có Heineken và Sabeco mà nhiều đối thủ ngoại đang tiến vào.
Giả sử, nếu muốn nắm sở hữu chi phối từ 51% trở lên tại Habeco, Carlberg sẽ phải mua thêm 33,5% cổ phần. Với thị giá hiện tại, dự kiến Carlberg sẽ phải chi hơn 11.000 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần này.
Trong khi đó, để thôn tính Sabeco và qua đó nắm 40% thị trường bia Việt, nhà đầu tư Thái Lan đã chi hơn 110.000 tỷ đồng. Còn với Carlsberg, hãng bia Đan Mạch chỉ đầu tư thêm khoảng 11.000 tỷ đồng để nắm giữ vị trí thứ 2 với 30% thị trường bia Việt Nam. Đây có thể là giá rẻ, thậm chí là rất rẻ.