Nikkei: 'Thuế tội lỗi' khiến ngành sản xuất bia ở Thái Lan điêu đứng
Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo gần đây của Fitch Ratings, doanh số bán bia tại Thái Lan nhạy cảm với sự thay đổi về giá, điều kiện kinh tế và cảm nhận chung của quốc gia này. Kết quả từ báo cáo chỉ ra khối lượng doanh số giảm trong khoảng 5 – 14% sau khi hàng loạt loại thuế bị tăng và thiên tai xảy ra trong vài năm qua.
Với lý do sức khoẻ, chính phủ Thái Lan đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu và đồ uống có đường. Lần này, việc tăng thuế dự kiến sẽ đem lại thêm 12 tỷ baht (tương đương 360 triệu USD) cho kho bạc nhà nước của quốc gia này, với 5 tỷ baht, phần lớn nhất, đến từ bia.
Ngày 16/9, thuế tiêu thụ đặc biệt mà các nhà sản xuất bia phải thanh toán loại bia đóng hộp và đóng chai dung tích 320ml hoặc lớn hơn tăng khoảng 0,5 - 2,66 baht. Các chuyên gia phân tích tính toán con số này sẽ làm tăng giá bán lẻ lên 1 - 5%.
Theo Nikkei, đây chỉ là một đợt tăng nhẹ so với những lần tăng giá trước đó. Ông Andy Sim, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường chứng khoán tại ngân hàng DBS, cho biết năm 2009 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia tại Thái Lan đã tăng 27%.
Tuy nhiên, ông Sim cho rằng các nhà đầu tư có thể sẽ lo ngại về thời điểm tăng thuế. Các nghi thức hỏa táng đối với nhà vua Bhumibol Adulyadej được lên kế hoạch vào ngày 25 – 29/10. Không khí tang thương được dự báo sẽ làm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia như những gì đã xảy ra sau khi nhà vua băng hà vào ngày 13/10/2016.
Công ty sản xuất đồ uống Thai Beverage, được niêm yết trên sàn giao dịch Singapore và là nhà sản xuất bia Chang, đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm 3,2% trong tháng trước, so với mức giảm 1,7% của chỉ số Straits Times.
Sự sụt giảm này một phần do tuyên bố của công ty hồi tháng 8 rằng, họ đang lên kế hoạch để tiến vào ngành đồ ăn nhanh thông qua việc mua lại các cửa hiệu KFC ở Thái Lan. Tuy nhiên, theo ông Sim, các nhà đầu tư cũng chịu ảnh hưởng từ sự không chắc chắn liên quan đến việc tăng thuế và việc hỏa táng cho nhà vua.
"Giá cổ phiếu có thể tăng trở lại vào đầu năm 2018 vì tiêu thụ hồi phục sau khi kết thúc tang lễ", ông nói thêm.
Fitch Ratings gợi ý một số nhà sản xuất bia, nếu muốn tránh sự sụt giảm trong doanh số bán hàng, có thể lựa chọn tự mình gánh khoản thuế tăng thêm, thay vì chuyển phần tăng thêm đó cho người tiêu dùng.
Hiện tại, một lon bia 330ml của một thương hiệu lớn như Leo, Singha hay Chang có giá khoảng 40 baht. Các nhà quan sát ngành công nghiệp cho biết, có thể mất vài tuần để giá bán lẻ thay đổi vì lượng hàng tồn dưới mức thuế cũ vẫn chưa được bán hết.
Doanh thu thuế từ đồ uống có đường
Lần đầu tiên, “thuế tội lỗi”cũng được đánh vào hàm lượng đường trong các loại đồ uống không cồn, vốn sẽ là khoản đóng góp lớn thứ hai vào kho bạc nhà nướcThái Lan khi thuế tăng lên, dự kiến thu được 2,5 tỷ baht.
Thuế sẽ nhắm đến các loại nước giải khát như trà xanh và cà phê ngọt, nước ép trái cây, đồ uống tăng lực và nước uống có ga. Quy định sẽ được triển khai toàn diện vào cuối năm 2019.
Sắc thuế ban đầu, được áp dụng vào ngày 16/9, dao động trong khoảng 0,06 - 2,05 baht / sản phẩm, phụ thuộc vào lượng đường và loại thức uống.
Theo các chuyên gia phân tích, các nhà sản xuất trà xanh có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các công ty đã bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất, 10 baht cho một chai 500ml.
Fitch cho biết cuộc cạnh tranh này giới hạn khả năng đẩy phần chi phí tăng lên cho khách hàng của các nhà sản xuất, mặc dù họ có thời gian gia hạn hai năm để giảm lượng đường trong đồ uống của mình để giảm thiểu mức chịu thuế.
Chuyên gia phân tích Sureeporn Teewasuwet của Finansia Syrus Securities nhận định, việc tăng thuế sẽ khuyến khích các công ty mạo hiểm ra nước ngoài để tìm kiếm tăng trưởng. Ví dụ như, Ichitan, nhà sản xuất trà pha sẵn lớn thứ hai của Thái Lan, hiện đang tạo ra 90% doanh số bán hàng ở trong nước.
"Không có yếu tố hỗ trợ tăng trưởng ở Thái Lan khiến Ichitan phải tìm kiếm sự tăng trưởng ở Indonesia và các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Việt Nam”, bà Teewasuwet nói.