|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tuần chao đảo của thương mại toàn cầu

20:14 | 03/08/2019
Chia sẻ
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9. Đây là số hàng hóa chưa phải chịu thuế trong các đợt áp thuế trước của Mỹ.

Động thái này sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, do hàng hóa phần lớn là sản phẩm tiêu dùng, công nghệ. Còn với các doanh nghiệp, họ sẽ phải giải quyết thách thức gián đoạn nguồn cung lớn hơn. Apple được nhận định là một trong các doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất từ đòn thuế mới này, khi số iPhone bán ra tại Mỹ có thể giảm 6 – 8 triệu chiếc năm tới.

Washington cho biết sẵn sàng hủy bỏ thuế này nếu Trung Quốc mua nông sản Mỹ. Còn Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ đánh thuế. Trong trường hợp này, Bloomberg Economics ước tính GDP hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mất 0,2% cho đến năm 2021.

Tuần chao đảo của thương mại toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

Các thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng mạnh với tuyên bố của ông Trump. Giá vàng tăng vọt phiên 1/8, dầu thô mất giá gần 8%, còn chứng khoán châu Á, châu Âu lao dốc theo Mỹ. Hôm qua, cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street tiếp tục đi xuống. S&P 500 và Nasdaq có tuần giao dịch tệ nhất từ đầu năm, khi mất lần lượt 3,1% và 3,9%.

Đến thứ Sáu, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc – hai cường quốc xuất khẩu của châu Á tiếp tục leo thang

Nội các Nhật Bản quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các thị trường xuất khẩu đáng tin cậy, có hiệu lực từ ngày 28/8. Theo đó, Hàn Quốc sẽ không còn là điểm đến được ưu đãi về đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu nữa. Seoul tuyên bố sẽ đáp trả.

Quyết định của Nhật Bản được đưa ra chỉ một tháng sau khi Tokyo áp lệnh kiểm soát xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc, dùng trong sản xuất sản phẩm bán dẫn.

Các công ty Nhật bán các sản phẩm cho Hàn Quốc sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cho từng hợp đồng. Quy trình này có thể kéo dài tới 90 ngày.

Tuần chao đảo của thương mại toàn cầu - Ảnh 2.

Thương hiệu Nhật Bản bị tẩy chay trong một siêu thị Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Căng thẳng giữa hai nước bùng phát khi Hàn Quốc cho rằng động thái này nhằm thể hiện sự bất mãn với phán quyết tháng 10/2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, đề nghị các công ty Nhật bồi thường cho người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời Thế chiến II. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết họ chỉ vì an ninh quốc gia. 

Giới phân tích cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á có thể đe dọa nguồn cung sản phẩm bán dẫn toàn cầu.

Tại châu Âu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney hôm qua cho biết việc Anh phải rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có bất kỳ thỏa thuận nào "có khả năng cao sẽ xảy ra". 

Khi đó, người Anh sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm và xăng dầu. Carney cho biết BOE sẽ làm mọi việc để hỗ trợ nền kinh tế, như trong trường hợp lạm phát lên cao.

"Đây hoàn toàn là vấn đề kinh tế học thông thường. Tỷ giá sẽ điều chỉnh theo các cú sốc kinh tế thực sự. Sự thay đổi trong quan hệ thương mại cũng đồng nghĩa thu nhập sẽ thấp đi một thời gian so với trước", ông nói.

Đồng bảng Anh đã mất giá vài tuần gần đây. Tháng 7 cũng là tháng diễn biến tệ nhất của đồng tiền này trong 3 năm qua, khi tân Thủ tướng Boris Johnson đắc cử khiến lo ngại Brexit không thỏa thuận càng tăng. Hôm 31/7, Tân bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid đã công bố khoản ngân sách bổ sung trị giá 2,6 tỷ USD nhằm chuẩn bị cho kịch bản này.

Dù vậy, không phải tin tức nào về thương mại tuần qua cũng là tiêu cực. Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đạt thỏa thuận tăng xuất khẩu thịt bò sang Liên minh châu Âu. Theo Văn phòng Thương mại Mỹ, thịt bò nước này xuất khẩu sang EU được dự báo tăng gấp 3, lên 420 triệu USD mỗi năm.

Động thái này nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với châu Âu. Đầu năm nay, Mỹ cũng đã hoãn áp thuế lên xe hơi và phụ tùng xe từ khu vực này.


Hà Thu