|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 9 – 13/5: Khối ngoại rót hơn 1.700 tỷ đồng mua vào khi VN-Index thủng cả hai mốc 1.300 điểm và 1.200 điểm

18:56 | 14/05/2022
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch (9 – 13/5), thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực khi VN-Index đã mất mốc 1.200 điểm. Giữa lúc “bão lửa” của thị trường, điểm sáng đến từ việc nhà đầu tư duy trì mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng toàn thị trường.

Khối ngoại mua ròng 1.682 tỷ đồng trên HOSE

Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.182,77 điểm, giảm hơn 11% trong tuần qua. Tâm lý nhà đầu tư hoang mang nên hiện tượng cổ phiếu đồng loạt giảm sàn liên tục diễn ra. Việc chỉ số rơi mất ngưỡng 1.200 điểm mà trước đó phải mất rất nhiều thời gian có thể chinh phục càng đè nặng lên tâm lý thị trường.

Bối cảnh thị trường lao dốc, dòng tiền ngoại tiếp tục giữ vai trò nâng đỡ, góp phần hãm đà giảm của thị trường. Theo thống kê, NĐT nước ngoài mua ròng 1.682 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần này. Trong đó giá trị mua ròng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội lần lượt là 1.133,8 tỷ đồng và 548,6 tỷ đồng.

Diễn biến dòng tiền theo ngành, khối ngoại tập trung mua qua kênh khớp lệnh cổ phiếu ngành hóa chất, ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán trong khi bán ròng nhóm thép.

Cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất trên HOSE tuần 9 - 13/5. Nguồn: HL.

Thống kê giao dịch ETF nội, nhà đầu tư mua vào mạnh nhất FUEVFVND với giá trị 646,9 tỷ đồng. Nhưng khối này lại bán ròng 93,4 tỷ đồng E1VFVN30.

Với giao dịch cổ phiếu, mã DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang được mua ròng mạnh nhất hơn 288 tỷ đồng. Chịu tác động tiêu cực chung của thị trường, cổ phiếu DGC có 3 phiên giảm sàn tuần qua đẩy thị giá từ 231.000 đồng/cp xuống còn 183.400 đồng/cp. Mới đây, ông Dào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc của Đức Giang đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu.

Ngoài DGC, dòng tiền ngoại tiếp tục hướng đến một số bluechip nhóm ngân hàng và bất động sản với quy mô mua vào trên 100 tỷ đồng như MBB (162,2 tỷ đồng), CTG (151,8 tỷ đồng), VHM (138,8 tỷ đồng) và NLG (121,7 tỷ đồng).

Nhóm được mua ròng với giá trị dưới 100 tỷ đồng còn có các mã DPM (85,2 tỷ đồng), MWG (74,3 tỷ đồng), FPT (70,1 tỷ đồng) và PNJ (67,5 tỷ đồng). Mặc dù được dòng tiền ngoại nâng đỡ, những mã cổ phiếu trên đều giảm sâu tuần qua khi nhà đầu tư bán bằng mọi giá.

Tại chiều bán ra, cổ phiếu HPG của Hòa Phát chịu áp lực mạnh nhất với giá trị bán ròng 142,8 tỷ đồng, theo sau là NVL (102,5 tỷ đồng) và VCB (100 tỷ đồng). Những mã còn lại ghi nhận giá trị bán ròng dưới 60 tỷ đồng như DXG, PLX, SBT, PVD, SAB và HSG.

NĐT nước ngoài mua ròng nhẹ trên HNX và UPCoM

 Cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất trên HNX tuần 9 - 13/5. Nguồn: HL.

Tương tự trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 5 tỷ đồng trên sàn HNX tuần này. Hoạt động mua vào tiếp tục xuất hiện ở các cổ phiếu đã có dòng tiền ngoại gia nhập những tuần trước đó như PVS (40,8 tỷ đồng), PVI (13,8 tỷ đồng). Các cổ phiếu khác được mua dưới 5 tỷ đồng như TNG, IVS và DNM.

Ở chiều bán, cổ phiếu SHS dẫn đầu với hơn 31 tỷ đồng, theo sau là VCS (11,9 tỷ đồng) và THD (11,6 tỷ đồng). Hai mã còn lại bị bán quanh 1 tỷ đồng là PLC và PSD.

 Cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng mạnh nhất trên UPCoM tuần 9 - 13/5. Nguồn: HL.

Khởi sắc hơn so với HNX, NĐT nước ngoài mua vào hơn 64,6 tỷ đồng trên thị trường UPCoM. Giá trị mua vào và bán ra lần lượt là 118,8 tỷ đồng và 54,2 tỷ đồng.

Điểm qua giao dịch cho thấy các cổ phiếu được mua vào đều ghi nhận giá trị trên 5 tỷ đồng như BSR (26,4 tỷ đồng), QTP (8,6 tỷ đồng), QNS (6,8 tỷ đồng), CLX (6,5 tỷ đồng), SIP (6,4 tỷ đồng). Các mã bị bán có giá trị thấp hơn 1 tỷ đồng, ngoại trừ trường hợp MFS (2,4 tỷ đồng).

Hoàng Linh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.