Tuần 28/3 - 1/4: Tổ chức trong nước mua ròng hơn 450 tỷ đồng, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng nhưng chốt lời nhóm bán lẻ
Những thông tin tiêu cực trong ngày đầu tuần (28/3) đã khiến thị trường chao đảo, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã trong nhóm này đã giảm sàn kéo theo VN-Index rời xa mốc 1.500 về ngưỡng 1.483.
Nhà đầu tư sau đó đã bình tĩnh hơn, giúp VN-Index ổn định quanh 1.490 trong 3 phiên tiếp theo trước khi bứt phá, tăng mạnh hơn 24 điểm trong phiên thứ Sáu (4/1). Chốt tuần, VN-Index đóng cửa mức 1.516 điểm, tăng 17,94 điểm (1,2%) và thiết lập mức đóng cửa cao nhất từ sau kỳ nghỉ tết Âm lịch đến nay.
Trong các nhịp thị trường hoảng loạn, nhóm bluechip đã trở thành điểm tựa quan trọng cho chỉ số. Trong đó, bộ ba FPT, VNM và MWG với mức tăng lần lượt 16%, 8,6% và 12,3% đã giúp VN-Index có thêm 10,2 điểm trong tuần. Nhóm ngân hàng cũng chiếm 5 vị trí trong Top 10 với các mã: VPB, MBB, VIB, BID và CTG.
Thống kê giao dịch của tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh), khối này mua ròng 455 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ gom ròng 382 tỷ đồng.
Tập trung gom cổ phiếu ngân hàng trong khi chốt lời nhóm bán lẻ
Thống kê giao dịch theo ngành, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 nhóm cổ phiếu, trong đó áp lực xả mạnh nhất ghi nhận ở nhóm bán lẻ với giá trị rút ròng lên tới 248 tỷ đồng. Quy mô rút vốn tại nhóm doanh nghiệp bán lẻ đã tăng lên đáng kể trong tuần vừa qua, trong bối cảnh chỉ số giá ngành diễn biến khởi sắc.
Theo quan sát, nhóm bán lẻ có tuần giao dịch tăng với tỷ trọng giá trị giao dịch lên 2,75% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá tăng 8,47%. Đây là nhóm cổ phiếu được kỳ vọng có câu chuyện phục hồi và tăng trưởng sau dịch COVID-19.
Tương tự, hai ngành thực phẩm & đồ uống, công nghệ thông tin cũng bị rút ròng với giá trị lần lượt là 139 tỷ và 118 tỷ đồng. Hoạt động rút ròng sau đó còn diễn ra ở các nhóm bảo hiểm, dịch vụ tài chính, dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, hàng & dịch vụ công nghiệp,... với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, hoạt động giải ngân của tổ chức trong nước chủ yếu tập trung vào nhóm ngân hàng với 403 tỷ đồng. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp cổ phiếu của các nhà băng được tổ chức nội xuống tiền mạnh nhất.
Thống kê của FiinTrade cho thấy nhóm ngân hàng có sự cải thiện dòng tiền mạnh trong nhiều tuần và tỷ trọng giá trị giao dịch đã tăng lên 11,73%, là mức cao nhất trong 4 tuần liên tiếp. Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng có câu chuyện tăng vốn trong mùa đại hội cổ đông và kỳ vọng lợi nhuận quý I/2022 khả quan khi tăng trưởng tín dụng tăng cao.
Mới đây, một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh 2022 cho thấy sự lạc quan về triển vọng năm nay, đặc biệt là khối ngân hàng tư nhân.
Cùng với ngành ngân hàng, dòng tiền của các tổ chức trong nước còn tìm đến các doanh nghiệp thép (332 tỷ đồng) và bất động sản (166 tỷ đồng). Đáng chú ý là sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức nội ở nhóm địa ốc. Từ việc bị bán ròng mạnh nhất thứ hai trong tuần trước đó, cổ phiếu nhóm bất động sản bất ngờ được khối này mua ròng trở lại trong tuần này.
Kế đó, hoạt động giải ngân còn được chứng kiến ở các nhóm hóa chất (134 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (18,7 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (18,5 tỷ đồng)...
Hai ông lớn bán lẻ chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ sau khi lập đỉnh
Nổi bật trong giao dịch của tổ chức trong nước tháng qua là việc bán ròng 239,6 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động. Giao dịch bán khớp lệnh cổ phiếu MWG của tổ chức trong nước chủ yếu được hấp thụ bởi toàn bộ nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh mã này giao dịch khởi sắc.
Với 4/5 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần, cổ phiếu MWG đã có nhịp tăng hơn 12,3% trong tuần qua và leo lên vùng đỉnh mới 156.000 đồng/cp. Chỉ trong hai tuần giao dịch gần đây, thị giá MWG tăng gần 20%, vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 114.000 tỷ đồng, gấp 22 lần mức định giá 5.100 tỷ đồng thời điểm công ty mới lên sàn vào tháng 7/2014.
Trở lại với giao dịch của tổ chức trong nước, cổ phiếu của ông lớn công nghệ FPT cũng bị rút ròng hơn trăm tỷ đồng tuần vừa qua. Với trọn vẹn 5 phiên tăng, trong đó gồm 1 phiên tăng kịch trần cổ phiếu của ông lớn công nghệ cũng bứt tốc với tỷ lệ tăng gần 16%. Vốn hóa thị trường cũng vừa kịp vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng để bám đuổi MWG.
Ngoài hai ông lớn ngành bán lẻ và công nghệ thông tin, các cổ phiếu còn lại trong Top5 bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (65,5 tỷ đồng), DBC (56,8 tỷ đồng) và VHC (54,8 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG được mua ròng nhiều nhất với 206,6 tỷ đồng. Trong bối cảnh các bluechips giao dịch thăng hoa và trở thành lực đỡ của thị trường thì giao dịch của Tập đoàn Hòa Phát vẫn nhuốm màu ảm đảm khi gần như đi ngang trong tuần qua. Chốt phiên thứ Sáu, thị giá HPG dừng ở mốc 45.700 đồng/cp.
Liên quan đến giao dịch HPG, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý đã bán 1,5 triệu cổ phiếu HPG vào ngày 29/3.
Tổng sở hữu của nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý giảm từ 5,01% (224 triệu cổ phiếu) trước giao dịch xuống còn 4,9765% (222,6 triệu cổ phiếu) sau khi bán ra. Từ ngày 31/3/2022, Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát.
Cùng thuộc nhóm thép, NKG cũng nằm trong danh mục giải ngân của tổ chức nội với 128,6 tỷ đồng. Tương tự dòng tiền cũng tìm đến DXG (135,7 tỷ đồng), TCB (134,9 tỷ đồng) và FLC (108,5 tỷ đồng).