|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 25 - 29/4: Dòng tiền cá nhân trở lại gom ròng gần 930 tỷ đồng cổ phiếu bất động sản, tâm điểm VHM, DIG

08:56 | 03/05/2022
Chia sẻ
Cổ phiếu bất động sản trở lại thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân với quy mô giải ngân lên tới 928 tỷ đồng. Đáng nói, trong tuần trước đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc bị rút ròng nhiều nhất với giá trị 1.207 tỷ đồng.

Thị trường đã mở đầu tuần 25 - 29/4 bằng 1 phiên “Thứ Hai đen tối” khi VN-Index trong phiên có lúc đã giảm hơn 80 điểm, cao nhất trong lịch sử. Chốt phiên với mức giảm gần 70 điểm, nỗ lực hồi phục trong 4 phiên cuối tuần của chỉ số cũng chỉ giúp chỉ số chính sàn HOSE hồi phục hơn 56 điểm, so với mức đóng cửa cuối tuần trước chỉ số đã giảm 12,4 điểm, tương đương 0,9% để chốt tuần tại 1.366,8 điểm.

GAS, MSN, CTG là 3 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đến chỉ số với mức ảnh hưởng lần lượt là -3,1 điểm, -2,6 điểm và -2 điểm. Ở chiều tăng điểm, VN-Index được đóng góp bởi các cổ phiếu BCM, VIC và DIG với mức ảnh hưởng lần lượt +2,8 điểm, +2,2 điểm và +0,6 điểm.

Khối ngoại có tuần giao dịch tích cực khi mua ròng hơn 800 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua ròng của nước ngoài chủ yếu được đóng góp bởi quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF và từ các nhà đầu tư Thái Lan thông qua DR niêm yết. Tương tự, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân cũng có phần khởi sắc hơn khi họ chuyển bán ròng đột biến gần 5.300 tỷ đồng tuần trước sang mua ròng 507,2 tỷ đồng tuần này.

Cá nhân trong nước chốt lời mạnh cổ phiếu hóa chất, trong khi gom mạnh cổ phiếu địa ốc

Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước chiếm ưu thế với 10/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu hóa chất là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 279 tỷ đồng, dù tuần trước đó vẫn được khối này gom mua gần 73 tỷ đồng.

Có thể thấy, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu hóa chất giao dịch tích cực trở lại sau chuỗi điều chỉnh kéo dài. Kết quả kinh doanh quý I cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến, đáng chú ý DPM tăng trưởng hơn 1000% hay DGC cũng tăng trưởng đến hơn 400% so với quý I năm ngoái.

Bên cạnh đó, giao dịch bán ròng của nhà đầu tư cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp với 151 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu của nhiều nhóm ngành cũng nằm trong danh mục bán ròng như dầu khí (112 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (103 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (98 tỷ đồng),…

(Giao dịch NĐT cá nhân theo các nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản trở lại thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân với quy mô giải ngân lên tới 928 tỷ đồng. Đáng nói, trong tuần trước đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc bị rút ròng nhiều nhất với giá trị 1.207 tỷ đồng.

Tương tự, hoạt động rót tiền của cá nhân trong nước cũng quay lại một số nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng (255 tỷ đồng), chứng khoán (97 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (51 tỷ đồng),….

Tâm điểm mua ròng VHM, DIG

Giao dịch tại chiều mua của nhà đầu tu cá nhân tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu VHM của Vinhomes. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 497,3 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân gần như đối ứng với các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này cũng bán ròng 512,7 tỷ đồng cổ phiếu VHM.

Nối tiếp, các cá nhân gom ròng 431,5 tỷ đồng cổ phiếu DIG của DIC Corp khi mã này có nhịp tăng 7,4% trong tuần vừa qua. Đây cũng là bên mua ròng duy nhất cổ phiếu DIG trong tuần giao dịch cuối tháng 4.

Bên cạnh VHM, DIG, nhà đầu tư cá nhân cũng thực hiện gom ròng hàng loạt cổ phiếu bất động sản - xây dựng trong tuần qua, điển hình là NVL (180,6 tỷ đồng), CTD (123,4 tỷ đồng), DXG (87,9 tỷ đồng) và VIC (83 tỷ đồng).

Danh mục Top10 thu hút dòng vốn cá nhân trong nước còn có sự góp mặt của VPB (394,3 tỷ đồng), HPG (234,1 tỷ đồng), TTF (84,9 tỷ đồng) và VND (61,2 tỷ đồng).

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trở lại chiều bán ròng, dòng tiền cá nhân nội đồng loạt rút khỏi nhiều cổ phiếu midcap. Trong đó, NLG của Novaland là mã bị rút ròng nhiều nhất với 217,7 tỷ đồng. Trái ngược với các cá nhân nội, mã này lại thu hút lượng lớn dòng tiền từ khối ngoại trong tuần biến động của VN-Index.

Theo sau, cổ phiếu GMD của Gemadept cũng bị rút ròng trên trăm tỷ đồng bất chấp nỗ lực gom mua của tổ chức nội và NĐT nước ngoài.

Cùng với đó, cá nhân trong nước rút ròng khỏi loạt cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất như DPM (88 tỷ đồng), DCM (69,1 tỷ đồng), DGC (66,8 tỷ đồng).

Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều như MWG (75,3 tỷ đồng), HDB (74 tỷ đồng), BCM (71,1 tỷ đồng), PAN (60,4 tỷ đồng) và PVD (60,3 tỷ đồng).

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.