Tuần 24 - 28/4: NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh gần 1.370 tỷ đồng, tâm điểm ACB, MSB đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước
VN-Index đã có một tuần hồi phục đầy tích cực sau giai đoạn điều chỉnh trước đó.
Cụ thể, lực bán mạnh tiếp tục được kích hoạt trong hai phiên đầu tuần đã nhanh chóng đưa chỉ số chung áp sát cận dưới của kênh tăng bắt đầu từ tháng 11/2023 (quanh mức 1.040 điểm).
Tuy nhiên, lực mua đã có sự cải thiện mạnh mẽ sau đó để giúp thị trường đảo chiều đầy tích cực trong những phiên còn lại cũng như duy trì được trendline tăng ngắn hạn. Kết tuần, VN-Index tăng 6,21 điểm, tương đương 0,6% so với tuần trước, đạt mức 1.049,12 điểm.
Trong tuần qua, cả ba chỉ số vốn hóa đều đồng loạt tăng điểm sau thời gian dài điều chỉnh. Trong đó, nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) và vốn hóa vừa (VNMID) là động lực chính giúp cho chỉ số chung hồi phục khi cùng đi lên hơn 1% so với tuần trước đó. Theo sau, nhóm vốn hóa lớn (VN30) ghi nhận mức tăng nhẹ 0,6%.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên toàn thị trường đạt 9.244 tỷ đồng, tăng 3,28% so với tuần trước.
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại bán ròng khớp lệnh trở lại với giá trị gần 475 tỷ đồng. Trong khi đó, cá nhân gia tăng mua ròng gần 1.370 tỷ đồng và là tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp. Ngược lại, tổ chức trong nước cũng tăng áp lực bán ròng gần 900 tỷ đồng và giữ vị thế này suốt ba tuần liên tục.
Dòng tiền cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản
Trong tuần 24 – 28/4, NĐT cá nhân mua ròng 870 tỷ đồng trên HOSE, riêng khớp lệnh gom 1.368 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng về bên mua với 12/18 nhóm ngành được gom ròng. Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng gần 507 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hàng trăm tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (316 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (222 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (220 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (138 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở hai nhóm tài nguyên cơ bản (258 tỷ đồng), bán lẻ (66 tỷ đồng). Nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng từ 6,06% lên 7,82% toàn thị trường, chỉ số giá tăng 3,04%. Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm tài nguyên cơ bản đang tăng trở lại từ đáy gần nhất, chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị trường cũng đang tăng từ mức đáy.
Cùng chiều, áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các nhóm dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, hàng & dịch vụ công nghiệp, truyền thông với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, ACB là mã duy nhất ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 400 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của tổ chức trong nước.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam với giá trị 159 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu lớn trong rổ VN30 như VHM (137 tỷ đồng), VNM (123 tỷ đồng), VIC (122 tỷ đồng), MSN (116 tỷ đồng), SSI (82 tỷ đồng), NVL (80 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở HPG với 285 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị rút ròng mạnh nhất trong tuần trước đó.
Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng 107 tỷ đồng mã STB. Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng như NLG, STG, TPB, GMD, SAB, VCB, VPB, VIB.
Tổ chức đẩy mạnh bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, tâm điểm ACB, MSB
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng 1.201 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 898 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là nhóm ngân hàng với 651 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin (96 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (91 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu dịch vụ tài chính với quy mô vào ròng là 68 tỷ đồng.
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước không có nhiều điểm nhấn khi không có mã nào được gom ròng trên 100 tỷ đồng.
Cổ phiếu STG của Kho vận Miền Nam ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 57,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 38,6 tỷ đồng mã VIC.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu tài chính ngân hàng như TPB (30,9 tỷ đồng), VND (28 tỷ đồng), STB (20,5 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 425 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu MSB của cũng bị bán ròng 154,8 tỷ đồng khi mã này có nhịp giảm 4% về 11.850 đồng/cp…