Tuần 19 – 23/11: Viettel Post lên UPCoM, doanh nghiệp xăng dầu ‘ôm’ khoản lỗ trăm tỉ gia nhập thị trường chứng khoán
Sắp lên UPCoM giá 68.000 đồng/cp, cổ phiếu VTP tăng nóng trên thị trường OTC, Viettel Post có gì hấp dẫn? |
Ngày 23/11, Viettel Post giao dịch UPCoM, giá tham chiếu 68.000 đồng/cp
Ngày 23/11, gần 41,4 triệu cổ phiếu của Viettel Post chính thức giao dịch trên UPCoM với mã VTP. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 68.000 đồng/cp, biên độ giao dịch +/- 40%.
Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel tiền thân là Trung tâm Phát hành báo chí được thành lập tháng 7/1997 với nhiệm vụ phục vụ các cơ quan Quân đội trong Bộ Quốc phòng. Năm 2006, công ty chuyển từ mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập thành Công ty TNHH NN MTV Bưu chính Viettel.
Về cơ cấu cổ đông tính đến 10/10/2018, Viettel Post có 3 cổ đông lớn sở hữu 80,33% vốn điều lệ của công ty. Trong đó, hai tổ chức là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Quỹ Đầu tư Japan Asia MB Capital sở hữu lần lượt 68,08% và 5,08% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 7,17% vốn điều lệ công ty.
Kết quả kinh doanh của Viettel Post. Nguồn: Ánh Hường tổng hợp |
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Viettel Post đạt 3.238 tỉ đồng, tăng 9,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty cải thiện tăng từ 8,3% lên 11,3%. Kết quả, lãi ròng 3 quý đạt 193 tỉ đồng, tăng 59,3% so với cùng kì.
Kế hoạch kinh doanh năm 2018, công ty xây dựng chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 4.730 tỉ đồng và lãi ròng gần 272 tỉ đồng. Tính đến 30/9, công ty thực hiện được lần lượt 68,5% và 71% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm 2018.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Viettel Post đạt gần 2.631 tỉ đồng, tăng gần 880 tỉ đồng so với đầu kì. Trong đó, nợ phải trả là 2.015 tỉ đồng, bằng 76,6% tổng tài sản của công ty; vốn chủ sở hữu 616 tỉ đồng, bằng 23,4%.
Trần Anh trở lại sàn chứng khoán
Ngày 23/11, gần 25 triệu cổ phiếu TAG của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh sẽ giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 34.900 đồng/cp.
Được biết, Trần Anh tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trần Anh, thành lập từ năm 2002. Sau thương vụ thâu tóm bới ‘ông lớn’ Thế Giới Di động vào tháng 8/2017, Trần Anh dần bị xóa tên và thay thế bởi Điện Máy Xanh. Hiện, Thế Giới Di Động sở hữu 99,33% vốn điều lệ của Trần Anh.
Cổ phiếu TAG bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 25/6/2018 do Trần Anh ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ gần 63 tỷ đồng trong năm 2017. Đây là năm lỗ đầu tiên của Trần Anh trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngày 17/9, Trần Anh tự nguyện hủy niêm yết trên HNX. Sau hủy niêm yết, nhiều siêu thị điện máy của Trần Anh chuyển hóa hoàn toàn thành Điện Máy Xanh, fanpage Trần Anh trở thành nơi chia sẻ mẹo vặt nấu ăn và hiện nay trang web Trần Anh cũng đã dừng hoạt động, chuyển hướng về trang web của Điện Máy Xanh…
Một trong những nội dung của fanpage Trần Anh hiện nay |
Quý I niên độ tài chính 2018 – 2019, doanh thu Trần Anh đạt 2.238 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp lại giảm mạnh, từ 13,9% xuống chỉ còn 9,4%. Vì vậy, Trần Anh vẫn tiếp báo lỗ gần 5,8 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi 2,6 tỉ đồng.
Petimex ‘ôm’ khoản lỗ lũy kế hơn 512 tỉ đồng lên UPCoM, giá tham chiếu 10.700 đồng/cp
Ngày 22/11, Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) sẽ giao dịch 773.526 cổ phần trên UPCoM với giá tham chiếu 10.700 đồng/cp.
Trước đó, ngày 7/9, Petimex bán đấu giá đấu giá 48.040.531 cổ phần (tương đương 35,45% vốn điều lệ) trên HOSE với giá khởi điểm 10.600 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, tổng số cổ phần được đăng ký mua của chỉ là 797.900 cổ phần, tương đương 1,66% số cổ phần đăng ký bán.
Tại thời điểm 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của Petimex là 1.005 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 132 tỉ đồng, vốn khác của chủ sở hữu 1.234 tỉ đồng. Đáng chú ý, Petimex gia nhập thị trường chứng khoán trong tình trạng thua lỗ với khoản lỗ lũy kế hơn 512 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2017, công ty ghi nhận doanh thu 11.959 tỉ đồng, tăng 16,8% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế là 95,6 tỉ đồng, tương đương năm 2016.
Hoạt động bán lẻ xăng dầu của Petimex. Nguồn: Petimex |
Được biết, Petimex là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp, tiền thân là công ty Vật tư Xuất Nhập Khẩu Đồng Tháp, thành lập vào cuối năm 1992. Với thế mạnh kinh doanh xăng dầu, Petimex đã phát triển và tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu trên 1.500 cửa hàng và đại lý bán lẻ, thị trường tiêu thụ trải rộng từ Khánh Hòa đến tận Cà Mau.
Petimex đã đầu tư hai hệ thống tổng kho xăng dầu đầu mối tại Đồng Nai có sức chứa 60.000 m3/tấn và đang nâng cấp mở rộng thêm 160.000 m3/tấn nâng tổng sức chứa lên trên 220.000 m3/tấn, kho tại Đồng Tháp có sức chứa 30.000 m3/tấn.
Thêm doanh nghiệp ngành than giao dịch trên UPCoM
Cùng ngày 22/11, 5,1 triệu cổ phiếu VDB của CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc giao dịch trên UPCoM. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.100 đồng/cp.
Tính đến ngày 10/7/2018, CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc có ba cổ đông lớn gồm Tổng Công ty Đông Bắc (sở hữu 51% vốn điều lệ), CTCP Công nghiệp Tàu thủy Đông Bắc (10%) và Công ty TNHH Phương Sơn (6,06%). Được biết, Tổng Công ty Đông Bắc có vốn điều lệ 1.400 tỉ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác và kinh doanh than.
Nguồn: Bản cáo bạch niêm yết của công ty |
CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc tiền thân là Xí nghiệp Chế biến kinh doanh than, được thành lập ngày 28/12/1995. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là khai tác và thu gom than, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy nội địa. Cơ cấu doanh thu của công ty giai đoạn từ 1/1/2017 đến 4/4/2018, hoạt động bán than chiếm tỉ trọng 93,64% và vận tải thủy chiếm 6,36%.
Về kế quả kinh doanh, giai đoạn từ 1/1/2017 đến 4/4/2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.421 tỉ đồng, tăng 20,5% so với cả năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 21,8 tỉ đồng, trong khi năm 2016 là 15,6 tỉ đồng.
Xem thêm |