|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 10 – 14/10: Áp lực xả từ khối tự doanh CTCK gia tăng, tổng giá trị bán ròng cổ phiếu trên 1.600 tỷ đồng

08:00 | 15/10/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam có ba liên hồi phục liên tiếp sau nhịp giảm sâu. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng vai trò nâng đỡ. Chiều ngược lại, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán có chuỗi bán ròng 8 phiên liên tiếp, gia tăng áp lực lên thị trường chung.

Tổng quan về thị trường tuần này (10 - 14/10), VN-Index tăng nhẹ trong phiên đầu tuần sau đó giảm 36 điểm trong phiên 11/10. Có thời điểm chỉ số xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm. Lực cầu gia nhập giúp chỉ số giữ được vùng điểm này.

Trong ba phiên cuối tuần thị trường phồi phục với ba phiên tăng điểm liên tiếp với mức tăng trên 1%. VN-Index đóng cửa tuần ở 1.061,85 điểm, tăng 2,5% so với tuần trước đó, ngắt chuỗi giảm điểm 5 tuần liên tiếp của thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính trong đợt giảm điểm vừa qua, trở lại giữ vai trò dẫn dắt chính trong ba phiên hồi phục. Các phiên giao dịch đều chứng kiến cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần.

Giao dịch theo tuần của khối tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Hà tổng hợp .

Khối tự doanh xả hơn 1.600 tỷ đồng tuần hồi phục

Quan sát diễn biến dòng tiền, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng góp phần nâng đỡ thị trường. Chiều ngược lại, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng cổ phiếu toàn bộ phiên giao dịch tuần này với giá trị 1.618 tỷ đồng, nối dài chuỗi bán 8 phiên liên tiếp (2.600 tỷ đồng). Giá trị bán ròng cổ phiếu lũy kế từ đầu tháng 10 là 2.937 tỷ đồng.

Theo thống kê tuần cho thấy lực bán ròng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE tuần này gia tăng so với tuần trước đó.

Cụ thể, khối tự doanh rút ròng tổng cộng 1.650 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE trong tuần, tập trung qua kênh khớp lệnh (1.462 tỷ đồng). Lực bán tuần này (2.046 tỷ đồng) thu hẹp so với quy mô tuần trước đó (2.551 tỷ đồng). Lực cầu cũng sụt giảm từ 1.420 tỷ đồng còn 583,4 tỷ đồng.

Tại sàn HNX, khối tự doanh mua ròng nhẹ trong cả 5 phiên với tổng giá trị 4,7 tỷ đồng. Tương tự, nhóm này đảo chiều mua vào 28,1 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Với giao dịch chứng quyền, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), khối tự doanh bán ròng 180,8 tỷ đồng trong tuần thứ ba liên tiếp.

 Top10 mã được khối tự doanh CTCK mua/bán ròng nhiều nhất tuần 10 - 14/10. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.  

Mã chứng khoán nào được mua/bán nhiều nhất?

Thống kê giao dịch chi tiết theo từng mã, khối tự doanh bán ròng mạnh nhất TCB và NVL trong tuần với giá trị 211 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. Sau những phiên giảm sâu, cổ phiếu TCB của Techcombank có dấu hiệu giao dịch cân bằng khi thị trường hồi phục. Lọt Top10 mã bị bán ròng mạnh còn có đại diện khác từ nhóm ngân hàng là VCB (58,4 tỷ đồng).

Hai cổ phiếu “họ Vingroup” là VHM và VIC ghi nhận quy mô bán ròng 118,1 tỷ đồng và 110,2 tỷ đồng. Ngoài ra, khối tự doanh còn tạo áp lực bán lên loạt bluechip với quy mô 70 – 100 tỷ đồng như MSN (94,4 tỷ đồng), HPG (88,2 tỷ đồng), VNM (82,5 tỷ đồng), BCM (78,5 tỷ đồng).

Với giao dịch ETF nội, mã FUEVFVND của DCVFM VN Diamond ETF dẫn đầu về quy mô bán ròng với hơn 172 tỷ đồng. Ngược lại, khối tự doanh mua ròng E1VFVN30 (15,6 tỷ đồng), FUESSVFL (5,4 tỷ đồng) và FUEMAV30 (4 tỷ đồng).

Ở chiều mua vào, cổ phiếu SAB của Sabeco dẫn đầu với giá trị 72,4 tỷ đồng, theo sau là ACV (64,7 tỷ đồng). Các mã còn lại được mua với giá trị từ 5 đến 20 tỷ đồng có PNJ, OGC, SAM, BCG và NT2.

Giao dịch phái sinh của khối tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Bộ phận tự doanh ưu tiên Mua (Long) trong tuần hồi phục

Với giao dịch chứng khoán phái sinh, khối tự doanh ưu tiên cho vị thế Mua (Long) sau tuần giao dịch cân bằng trước đó. Tổng khối lượng giao dịch phái sinh trong tuần là 44.479 hợp đồng, nhỉnh hơn tuần trước (42.923 hợp đồng). Ba tuần giao dịch gần đây đều khi nhận quy mô giao dịch từ khối tự doanh đạt trên 40.000 hợp đồng.

Cụ thể, nhóm này mở vị thế Mua (Long) với 26.423 hợp đồng trong tuần với tổng giá trị 2.685 tỷ đồng. Trong khi đó khối lượng ở vị thế Bán (Short) là 18.056 với tổng giá trị 1.851 tỷ đồng.

Hoàng Linh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.