|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối tự doanh CTCK xả nghìn tỷ cổ phiếu ngân hàng khi giá giảm sâu, những mã nào là tâm điểm giao dịch?

07:35 | 12/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu nhịp tăng đầu năm 2020. Cổ phiếu ngân hàng liên tục giảm sàn, gia tăng áp lực lên VN-Index.

 Giao dịch khối tự doanh CTCK giai đoạn 3 - 11/10. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Trong phiên giao dịch 11/10, có thời điểm VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2021. Nhà đầu tư giao dịch với tâm lý đè nặng khi thị trường có 801 mã giảm giá, trong đó có 221 cổ phiếu giảm kịch sàn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vận động cùng xu hướng chứng khoán thế giới, song mức giảm lớn hơn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á hay thị trường lớn như Mỹ.

Điểm tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mua những phiên giảm sâu. Chiều ngược lại khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng, gây áp lực lên thị trường chung.

Thống kê từ đầu tháng 10, khối tự doanh bán ròng cổ phiếu trong 6/7 phiên giao dịch. Riêng phiên 4/10 ghi nhận giá trị mua ròng 136 tỷ đồng. Phiên 10/10 bán ròng hơn 600 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng cổ phiếu trong giai đoạn 3 – 11/10 là 2.368 tỷ đồng, trong đó sàn HOSE bị rút ròng 2.334 tỷ đồng.

Quan sát giao dịch theo từng nhóm ngành, cổ phiếu nhóm ngân hàng bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 10. Cụ thể, nhóm này mua vào hơn 26,4 triệu đơn vị tương ứng giá trị 548,6 tỷ đồng và bán ra 72,7 triệu cp với giá trị 1.511 tỷ đồng.

Tổng quy mô bán ròng cổ phiếu ngân hàng khoảng thời gian 3 – 11/10 là 962,5 tỷ đồng. Riêng trong 5 phiên bán ròng liên tiếp gần đây (6 – 11/10), tổng giá trị bán ròng tại nhóm ngân hàng là gần 716 tỷ đồng.

Những cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm giao dịch của khối tự doanh CTCK là VPB, TCB, STB, MBB, ACB, EIB. Một số mã khác không xuất hiện giao dịch từ khối tự doanh như ABB, BVB, KLB, NAB, NVB, PGB, SGB, VAB, VBB.

 Giao dịch cổ phiếu ngân hàng của khối tự doanh CTCK. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Cổ phiếu VPB của VPBank được giao dịch nhiều nhất với giá trị mua vào (96,7 tỷ đồng) và bán ra (403,7 tỷ đồng), tương ứng quy mô bán ròng 307,1 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 10, giá cổ phiếu này giảm khoảng 15%, xuống còn 15.350 đồng/cp phiên 11/10.

Đứng thứ hai về giá trị bán ròng là mã TCB của Techcombank với gần 173 tỷ đồng. Quan sát cho thấy khối tự doanh xả TCB bất chấp giá mã này giảm mạnh giai đoạn gần đây. Kể từ đầu tháng 10, giá cổ phiếu TCB giảm trên 26% với 3 phiên giảm kịch sàn.

Bốn phiên giảm liên tiếp gần đây TCB mất giá 21,3%, trong đó có hai phiên giảm sàn. Đóng cửa phiên giao dịch 11/10, cổ phiếu TCB giảm sàn xuống 24.000 đồng/cp.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội (MBB) cũng mất giá 19,8% và ghi nhận giá trị bán ròng 139,5 tỷ đồng. Quy mô hai chiều mua và bán là 51,7 tỷ đồng và 191,3 tỷ đồng. Trong phiên hôm qua, mã ngân hàng này cũng giảm sàn, đóng cửa ở 16.050 đồng/cp.

Không chịu áp lực giảm giá, khối tự doanh mua vào 5,6 tỷ đồng cổ phiếu EIB của Eximbank và bán ra 108 tỷ đồng, tương ứng giá trị bán ròng 102,4 tỷ đồng. Ghi nhận kể từ phiên giao dịch ngày 23/9, trường liên tục xuất hiện giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB.

Riêng trong phiên 10/10 có 79,8 triệu cp EIB được trao tay qua phương thức thỏa thuận với giá trị 3.172 tỷ đồng. Đây là thời điểm nhóm Thành Công thoái vốn tại Eximbank, nên nhiều khả năng một phần giao dịch đến từ nhóm này.

Hai cổ phiếu nhà băng khác có giá trị bán ra trên 100 tỷ đồng là STB (143,7 tỷ đồng) và ACB (118,6 tỷ đồng). Song lực cầu tham gia giúp thu hẹp quy mô bán ròng ở hai cổ phiếu còn 45,9 tỷ đồng và 54,1 tỷ đồng.

Giống như các mã ngân hàng khác, cổ phiếu STB giảm giá 23% kể từ đầu tháng 10. Phiên 11/10 mã này giảm sàn, dừng ở 15.850 đồng/cp. Mã ACB cũng mất giá 21,1%.

Ghi nhận trong nhóm ngân hàng, những cổ phiếu khác có giá trị bán ròng 10 – 50 tỷ đồng có VCB (45,6 tỷ đồng), VIB (30,5 tỷ đồng), HDB (28 tỷ đồng), CTG (15,4 tỷ đồng), TPB (12,9 tỷ đồng) và LPB (10,2 tỷ đồng). Chiều ngược lại MSB và OCB được mua ròng nhẹ 4,8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Lợi Hoàng