Từ vay nước ngoài sang vay trong nước, liệu có ổn?
Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 16-11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết cơ cấu nợ của Chính phủ đang chuyển biến theo hướng tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài. Thế nhưng, việc chuyển hướng này có thể tạo thêm áp lực cho nền kinh tế, và có làm dấy lên mối lo ngại về tăng thu ngân sách hay không?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ trong nước của Chính phủ tăng dần từ mức 39% GDP của năm 2011 lên mức 60% GDP năm 2017. Nợ nước ngoài giảm dần từ mức 61% (2011) xuống còn 40% (2017) nhằm góp phần làm giảm rủi ro tỷ giá, đảm bảo an toàn tài chính.
Quy mô nợ công giảm dần
Nợ nước ngoài đã vượt giới hạn dù nợ công đang được kiểm soát hiệu quả hơn. Trong ảnh là dự án đạm Ninh Bình- vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ hiện đang thua lỗ. |
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công đang được kiểm soát hiệu quả hơn xét về quy mô tăng dư nợ, kỳ hạn vay nợ, đối tượng vay nợ và sử dụng nguồn vay nợ. Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân, một chuyên gia về tài chính và một đại biểu khác về nợ công, ông Dũng giải trình rằng dù nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép nhưng vẫn tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, việc quản lý và sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư và cân đối nguồn trả nợ.
Việc sử dụng vốn ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, kém hiệu quả. Cơ chế quản lý nợ còn phân tán, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn cũng như sự thay đổi của thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu giai đoạn 2011-2015 tốc độ gia tăng nợ công là 18,4%/năm thì đến nay, tốc độ tăng nợ công đã chậm lại. “Nợ công đang được kiểm soát hiệu quả hơn xét về quy mô dư nợ, kỳ hạn vay nợ, đối tượng vay nợ và việc sử dụng nguồn vay nợ hiệu quả hơn”, ông Dũng nói.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội hôm 15-11 cũng về đề tài nợ công, Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2016, dư nợ công bằng 63,6% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 52,6% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 44,7% GDP. Dự kiến đến cuối năm nay, nợ công là 62,6% GDP, nợ Chính phủ là 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,2% GDP, vẫn trong giới hạn cho phép.
"Có rất nhiều giải pháp đang trình Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách giảm nợ công, trình Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm trong đó có việc giảm trần nợ công", bộ trưởng Dũng nói. Nhìn chung vẫn còn phải kiểm soát chặt chẽ hơn nợ công và bước đầu đang thực hiện tốt từ thể chế để kiểm soát nợ công.
Việc chuyển dịch cơ cấu nợ phần nào cho thấy định hướng của nhà điều hành trong việc cơ cấu nợ từ nước ngoài về trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình và các khoản vay ưu đãi từ bên ngoài đang dần thưa thớt. Tuy vậy, do các khoản vay trong nước thường có kỳ hạn ngắn và lãi suất vay thấp hơn quốc tế nên nhiều chuyên gia kinh tế đã từng lo ngại rằng việc chuyển hướng này có thể tạo thêm áp lực cho việc trả nợ của Chính phủ, vốn đã rất nặng nề.
Những rủi ro từ nguồn vay nước ngoài
Trên thực tế, khả năng giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài có thể vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (khoảng 300 ngàn tỉ đồng), bao gồm giải ngân các khoản vay ký kết mới trong giai đoạn 2016-2017, các dự án đang đàm phán ký kết hoặc các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án đã ký kết nhưng chưa bố trí đủ vốn… ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn nợ công.
Mặt khác, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài có xu hướng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (thuộc Wolrd Bank) từ ngày 1-7-2017, làm tăng chi phí huy động và nghĩa vụ trả nợ. Tỷ trọng các khoản vay ưu đãi có lãi suất thả nổi trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ tăng, làm tăng nghĩa vụ trả nợ và rủi ro về lãi suất
Việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Dư nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng (năm 2016 tăng 14,5% so với năm 2015). Trong đó dư nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%.
Chính phủ sẽ rà soát, tổng hợp các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn này để có căn cứ đánh giá tác động đến nợ công cũng như kế hoạch tài chính trung hạn, không cho vay các lĩnh vực mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ.
Chính phủ cũng phải có biện pháp kiểm soát tốc độ tăng dư nợ nước ngoài, đặc biệt là các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ các hạn mức đã được Chính phủ phê duyệt.
Tính đến cuối năm nay, con số nợ công ước tính vào khoảng hơn 3 triệu tỉ đồng. Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỉ đồng.
Nợ công tăng nhanh, ngân sách phải vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ, đây chính là một trong những lo lắng của cử tri được phản ánh qua các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giải quyết áp lực nợ công bằng cách giảm bội chi, tiết kiệm ngân sách như thế nào, là nan đề mà những người đứng đầu các bộ ngành có liên quan phải góp phần giải đáp.